Đối mặt với dòng chảy ngược một lượng lớn nhân lực lao động về các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cả các tỉnh phía bắc, các doanh nghiệp (DN) ở TP. Hồ Chí Minh (HCM) và một số tỉnh phía nam như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... đang đứng trước tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Một số giải pháp ban đầu đã được đưa vào thực hiện, song chưa bảo đảm được an toàn trước sự lây nhiễm và lây nhiễm chéo, buộc các DN phải tính toán lại. Áp lực về việc thực hiện các đơn hàng cũng vì vậy mà gia tăng.

Đảm bảo an toàn cho lao động là điều mà các doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Hiện toàn ngành chỉ vận hành 10-15% công suất là thông tin đến từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Tỷ lệ này cũng cho thấy, chuỗi cung ứng dệt may đang đứng trước nguy cơ đứt gãy, trong khi diễn biến dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp. TP. HCM sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 đến 15/9, với mục tiêu sẽ kiểm soát được tình hình, dù vẫn có thể phải chuẩn bị tâm lý dài hơi, ở những cấp độ khác nhau theo như cách mà ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM cho hay. Lượng công nhân ở các tỉnh thành phía nam có thể chỉ huy động được một nửa, hoặc tệ hơn, chỉ khoảng 30% là vấn đề của ngành Thuỷ sản, trong bối cảnh liên quan. Không chỉ thiếu lao động phổ thông mà thiếu cả nhóm lao động lành nghề khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát là dự báo đến từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Du lịch - dịch vụ có lẽ là ngành đang phải chịu tác động mạnh nhất, trên diện rộng chứ không chỉ tập trung ở một vài địa phương. Mặc dù có ý kiến cho rằng, tình trạng người làm du lịch phải chuyển sang một số ngành nghề khác chỉ để lo cho cuộc sống trước mắt, song không ai có thể nói trước được sự trở lại, cũng như sự mất mát đến từ đội ngũ nhân lực có nghề. Tạm xoay sang một lĩnh vực kinh doanh khác cũng là một cách tạo nguồn thu, giữ một phần hoặc nhiều hơn, với mục đích chính là giữ được lực lượng lao động. Một số công ty có nội lực, có thể duy trì đội ngũ bằng cách tận dụng khoảng thời gian này để đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chuyển hoàn toàn sang làm việc online; bảo đảm trả đủ mức lương cơ bản cũng như hỗ trợ các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với nguồn nhân lực có tay nghề, nhưng đây là con số không nhiều…

Vấn đề bây giờ không phải là đứt gãy nguồn nhân lực lao động, vì nó đã diễn ra trong thực tế. Các DN ở các tỉnh, thành phía nam đang phải gánh chịu điều này, cũng là vấn đề mà ngành du lịch - dịch vụ ở Thừa Thiên Huế đang phải đối diện. Co mình và cố gắng bảo toàn được một tỷ lệ lao động “cứng” nhất định, gần như là giải pháp được chọn của các DN. Trước hết là để có thể đáp ứng được việc thực hiện các đơn hàng đã ký, đảm bảo được nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất trong khó khăn, sau đó là duy trì được khách hàng đối tác. Vẫn kỳ vọng về trạng thái bình thường mới khi dịch bệnh được kiểm soát, song các DN vẫn không hết lo âu khi nhân lực có nghề bị sứt mẻ, lao động phổ thông bị đứt gãy, dẫn đến khó duy trì các đơn hàng đã ký…

Không nhiều, nhưng cũng không ít các DN đã chọn cách chia sẻ, hỗ trợ người lao động, cũng là một cách giữ chân họ để tạo nguồn, “tái xuất” trở lại khi đạt được “trạng thái bình thường mới”, nhất là các DN ở các tỉnh, thành phố phía nam. Hoặc xoay xở sang kinh doanh ẩm thực, dịch vụ thực phẩm như một vài doanh nghiệp du lịch ở Huế. Song về quãng đường dài hơn phía trước, vẫn cần sự hỗ trợ thiết thực của các gói hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Mới đây nhất, ngày 16/8, TP. HCM cũng đã ban hành văn bản về việc sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ về vốn, giảm tiền thuê đất 50%, miễn giảm tiền điện, nước để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đó cũng là cách để giữ bình ổn trong mức chấp nhận được của các nguồn lực lao động bị đứt gãy, sứt mẻ. Ít nhất cũng đủ để họ “giữ sức” quay trở lại khi các vùng kinh tế trọng điểm và rộng hơn, khi cả nước đạt được miễn dịch cộng đồng.

NGUYỄN AN NHIÊN