Năm học 2021 - 2022, lớp 6 sẽ có sáu môn học không chấm điểm. Ảnh: TTXVN
Theo đó, có 6 môn học không cho điểm: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ không cho điểm (cả đánh giá thường xuyên và định kỳ), chỉ đánh giá bằng nhận xét với 2 mức: Đạt và chưa đạt.
Những môn học còn lại sẽ được đánh giá bằng điểm số, kết hợp nhận xét. Cách đánh giá được thực hiện bằng điểm rèn luyện tương ứng với các yêu cầu về học tập trong chương trình; Điểm rèn luyện và điểm học tập đều được xếp loại theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Thông tư chính thức có hiệu lực từ năm học mới này khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới: Năm đầu tiên áp dụng ở lớp 6 năm học 2021 - 2022; năm 2022 - 2023 đối với lớp 7 và 10; năm 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; năm 2024 - 2025 đối với lớp 9 và 12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lý giải về cách đánh giá bằng nhận xét: Theo quy định ở thông tư này, giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.
Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.
Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
Còn việc giá bằng điểm số: Được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.
Học sinh có đủ các điều kiện sau đây thì được lên lớp hoặc được công nhận hoàn thành chương trình THCS, THPT gồm: Kết quả học tập và rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Đạt trở lên; nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học (tính theo kế hoạch giáo dục 1 buổi/ngày được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm nghỉ có phép và không phép, nghỉ liên tục hoặc không liên tục).
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định về điều kiện học sinh được lên lớp là hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên; nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).
Theo TTXVN