Cuối tuần vừa qua, chú em đang làm việc ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài thông tin, công ty vừa thông báo về việc đăng ký làm việc theo phương án “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) và chú cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng “3 tại chỗ” cùng công ty.
“3 tại chỗ” là phương thức mới được tỉnh Bắc Giang áp dụng thành công trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát cuối tháng 4 vừa qua. Mới đây, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương vùng trọng điểm công nghiệp ở phía nam như Bình Dương, Đồng Nai…, cũng áp dụng phương thức này.
Thực hiện “3 tại chỗ” là một thách thức mới, chưa có trong phương án sản xuất của bất kỳ doanh nghiệp nào trước đây nên hầu hết chưa có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Nay triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về nơi ăn chốn ở, việc đưa đón, cung ứng lương thực, thực phẩm cho hàng nghìn con người trong một thời gian không phải là ngắn. Đi kèm với đó cần nguồn kinh phí lớn để duy trì các hoạt động này và các chi phí xét nghiệm, khử khuẩn cho công nhân hàng ngày…
Nói chung, thực hiện “3 tại chỗ” doanh nghiệp phải chi phí nhiều hơn để duy trì hoạt động. Nếu hạch toán đơn thuần về tài chính thì giá thành sản phẩm tăng, doanh nghiệp giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thậm chí lỗ vốn. Nhưng xét về tổng thể và đa chiều thì cái được của phương án này vẫn lớn hơn nhiều. Đó là doanh nghiệp vẫn đảm bảo đơn hàng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp, ngành hàng trong nước và thế giới. Duy trì được sản xuất thì doanh nghiệp cũng giữ chân được lao động, nhất là lao động lành nghề, có kỹ thuật để nhanh chóng phục hồi sản xuất khi dịch bệnh qua đi. Hơn nữa, điều này còn góp phần giải tỏa bớt áp lực cho xã hội, nhà nước trong việc thực hiện an sinh xã hội và phòng, chống dịch hiệu quả. Khi tạo ra sản phẩm, có doanh thu, doanh nghiệp cũng giảm được áp lực về lãi vay, vốn khấu hao đầu tư nhà xưởng, thiết bị (các khoản này đều được tính vào giá thành sản phảm)… Như vậy, chỉ cần sản xuất hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh thì doanh nghiệp đã đem lại những cái “lãi” lớn hơn cho cả doanh nghiệp, người lao động (duy trì được thu nhập) và xã hội.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ” một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xin rút khỏi phương án (tức là ngừng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội) hoặc giảm quy mô. Lý do được đưa ra là quá khó khăn trong việc bố trí nơi ăn chốn ở, đưa đón công nhân; chi phí sản xuất lớn…
Đây là thực tế đặt ra không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả chính quyền địa phương các cấp, người lao động. Để giải bài toán này cần có sự tính toán kỹ ngành sản xuất nào, bộ phận nào cần phải duy trì “3 tại chỗ” để phát huy hiệu quả nhất. Chẳng hạn, trong một nhà máy có những bộ phận nếu ngừng hoạt động, khi khởi động lại sẽ tốn nhiều chi phí, thời gian như lò nung, lò hơi, nhưng cũng có bộ phận có thể làm việc từ xa. Hoặc có đơn hàng nếu giao chậm không chỉ bị phạt hợp đồng mà còn có nguy cơ mất đơn hàng lâu dài thì phải ưu tiên duy trì dây chuyền sản xuất phù hợp, còn không có thể giãn thời gian thực hiện. Nói tóm lại, phải linh hoạt và căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, bộ phận, đơn hàng để bố trí phù hợp.
Với Thừa Thiên Huế, tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát và chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị cho phương án “3 tại chỗ”, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Tuy nhiên, từ thực tế vừa qua, nếu để doanh nghiệp “tự bơi” trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh là điều không nên và họ cũng không thể làm tốt. Vì vậy cần có sự chung tay của chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội và người lao động để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt. Đó là sự kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nơi ăn chốn ở cho công nhân; có chính sách hỗ trợ, chia sẻ các chi phí, phương tiện về kiểm soát dịch bệnh; động viên người lao động chung sức vượt khó cùng doanh nghiệp… góp phần vào thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
Hoàng Minh