“Con bỏ điện thoại xuống và đọc lần lượt những cuốn sách mẹ mang về nhé” - tôi đã nói với con mình như thế, khi những ngày hè quá nhiều thời gian rảnh rỗi mà các lớp học thêm, học kỹ năng cũng không có nhiều như những mùa hè bình thường khác. Ban đầu cũng rất khó khăn khi lũ trẻ vẫn hứng thú hơn với những hình ảnh sống động, âm thanh vui nhộn từ các thiết bị điện tử. Nhưng rồi, dần dần chúng cũng quen và bắt đầu với mỗi tuần một cuốn sách. Ở lứa tuổi thiếu niên, thiếu nhi như chúng, tôi chỉ chọn những cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu với những câu chuyện có minh họa bằng tranh màu sinh động. Tôi cũng kết hợp với việc đọc sách giấy và tải app đọc sách điện tử để lúc nào tụi trẻ mỏi mắt, đọc chán có thể mở phần mềm sách nói. Việc còn lại chỉ là chọn sách và nghe. Sau một thời gian, tụi trẻ bắt đầu có những thói quen tốt hơn, dù vẫn cầm điện thoại nhưng thời gian dành cho các trang mạng Tik tok, zalo, game không còn nhiều như trước. Chúng bắt đầu nghe đọc sách và có thể kể về những câu chuyện đã nghe, đọc. Con tôi cũng hành động theo hướng tích cực hơn, dù chỉ là những việc nhỏ hàng ngày.

Những điều tốt đẹp mà sách mang lại cho con người chắc chắn là điều không phải bàn cãi. Sách cũng là “liều thuốc” chữa lành rất nhiều vết thương tâm hồn; là nguồn cảm hứng sống tích cực, giúp con người vững vàng vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa dịch bệnh hoành hành. Vì thế mà rất nhiều nước trên thế giới đã kiến nghị đưa sách trở thành “hàng hóa thiết yếu” để lưu hành, lưu thông trong những ngày phải “lock down” (tạm dịch là đóng cửa) để phòng, chống dịch COVID-19. Họ kiến nghị để thư viện được mở cửa, bởi dù thế nào thì cuộc sống cũng không thể thiếu sách.

Mùa dịch bệnh này cũng đã có rất nhiều khu phong tỏa được tặng sách, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, mà nhiều tỉnh, thành khác cũng bắt đầu triển khai chương trình tặng sách cho người cách ly. Trong đó, chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà xuất bản, phát hành, in ấn trên địa bàn thành phố. Hàng ngàn đầu sách đã được trao tặng và đưa đến các khu cách ly để người dân có thêm kênh giải trí bổ ích, lành mạnh trong những ngày giãn cách...

Những ngày vừa qua, một số tác giả, nhà nghiên cứu như Phạm Thanh Tùng, Hồ Vĩnh… đã tặng sách cho người thực hiện cách ly tại các khung cách ly trên địa bàn tỉnh. Người quản lý và người nhận đều cảm kích. Tuy vậy, hoạt động này vẫn chưa trở thành một cuộc vận động hay một chương trình cụ thể, nên lượng sách đến các khu cách ly chưa nhiều. Có lẽ cũng nên có lời kêu gọi tặng sách, bởi Huế là vùng đất hiếu học, là “thủ phủ” của “kho tàng” sách. Những đầu sách về khoa học, thế giới, cuộc sống, văn hóa Huế nói riêng và văn hóa nói chung nếu có thể được gửi đến các khu cách ly cũng là gợi ý hay và thiết thực trong mùa dịch này. Khi đọc sách, những người đang thực hiện cách ly sẽ bớt nhàn rỗi, bớt tụ tập làm những việc vi phạm quy định và có thêm những năng lượng tích cực từ những trang sách.

Tất nhiên, đó phải là những cuốn sách truyền cảm hứng tích cực, nhân văn, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ...

TÂM HUỆ