Mô hình trồng rau an toàn của nông dân thị trấn Sịa, Quảng Điền

Sản suất lúa theo chuỗi giá trị

Theo bà Hoàng Thị Phượng ở xã Quảng Phước, dù có đa dạng cây trồng thì lúa vẫn là chủ lực trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới phải thoát ra khỏi phương thức sản xuất truyền thống, hướng đến ứng dụng mô hình canh tác hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn với việc gieo cấy các giống lúa mới, tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon đáp ứng nhu cầu thị trường là hướng đi phù hợp.

Sau khi được địa phương vận động, hướng dẫn, vụ lúa đông xuân vừa qua, bà Phượng cùng hơn 100 hộ dân ở xã Quảng Phước tham gia mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 36 ha. Toàn bộ xứ đồng rộng lớn đều đồng loạt gieo cấy cùng thời điểm với giống lúa duy nhất là Đài Thơm 8. Đây là giống lúa mới, chất lượng cao được Công ty CP Vật tư nông nghiệp (CPVTNN) tỉnh cung ứng sau khi khảo nghiệm thành công.

Bà Phan Thị Châu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho rằng, tham gia mô hình cánh đồng mẫu theo chuỗi giá trị có nhiều lợi thế cho nông dân. Nguồn giống được đơn vị, doanh nghiệp phối hợp sản xuất hỗ trợ đảm bảo chất lượng. Quá trình sản xuất được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình. Khi xảy ra sâu bệnh, nông dân đồng loạt ra quân xử lý, hạn chế nguy cơ gây hại. Đến mùa lúa chín, hợp tác xã đưa máy cơ giới vào thu hoạch và được Công ty CPVTNN bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tại xứ đồng Thống Nhất, xã Quảng Thái, vụ đông xuân vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Thống Nhất được sự hỗ trợ của Công ty CPVTNN đã triển khai thành công mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị. Hầu hết nông dân đều ủng hộ, tham gia mô hình với diện tích 25 ha, gieo cấy giống lúa mới, chất lượng cao HN6. Giống lúa mới này đã từng khảo nghiệm thành công, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Ông Hồ Hai, Giám đốc HTXNN Thống Nhất, xã Quảng Thái đánh giá, lợi thế của mô hình cánh đồng mẫu lớn là nông dân đồng loạt ra quân xử lý sâu bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại. Trên diện tích lớn cùng gieo cấy một loại giống chất lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Trong điều kiện ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng Công CPVTNN tỉnh vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân.

Đa dạng mô hình

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh khẳng định, sản xuất lúa nói riêng, nông nghiệp nói chung theo mô hình chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu. Vụ đông xuân vừa qua, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất lúa, rau màu chất lượng theo cánh đồng mẫu lớn, chuỗi giá trị.

Ngoài gieo cấy giống lúa Đài Thơm 8 với 36 ha tại HTXNN Đông Phước, giống NA6 diện tích 25 ha tại HTXNN Thống Nhất, vụ đông xuân 2020-2021, HTXNN Phú Hòa triển khai cánh đồng mẫu 20 ha, gieo cấy giống lúa NA6. Đáng chú ý, huyện Quảng Điền triển khai cánh đồng lớn 223 ha, gieo cấy giống lúa chất lượng KH1 tại các HTXNN: Tín Lợi, An Xuân, Kim Thành, Thống Nhất.

Sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hữu cơ cũng đang được huyện Quảng Điền bước đầu triển khai có hiệu quả. Vụ đông xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP với diện tích 20 ha, gieo cấy 11 ha lúa hữu cơ với giống DT39. Mô hình ứng dụng than sinh học (biochar) trong canh tác lúa, lạc cũng được ứng dụng tại HTXNN Phú Thuận. Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất lúa ở các HTXNN: Tam Giang, Thành Công, Lãnh Thủy.

Một số địa phương tiếp tục triển khai mô hình liên kết trồng đậu nành hữu cơ, ngô hữu cơ tại HTXNN Phú Thuận; trồng rau má hữu cơ tại HTXNN Quảng Thọ 2; trồng rau ăn lá hữu cơ với tại HTXNN Phú Thanh. Tại HTXNN Phú Thuận còn vận động nông dân triển khai mô hình trồng cây ăn quả tập trung trên vùng Cồn Chọ-Lò Vôi với khoảng 10 ha. Tại xứ đồng Nương Cùng, thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh trồng cây ăn quả với 6 ha. Lần đầu tiên tại HTXNN Thắng Lợi triển khai thành công mô hình trồng lúa sinh thái với diện tích 1,6 ha...

Ông Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin, các mô hình hiệu quả thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu. Huyện tiếp tục tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp liên kết với các địa phương, HTX thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất. Các ban, ngành hướng dẫn nông dân xây dựng lô gô, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm; tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đến nay, huyện Quảng Điền mở rộng mô hình cánh đồng lúa lớn, gieo cấy các giống lúa chất lượng trên diện tích khoảng 700 ha với 20 cánh đồng, trong đó có hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị 300 ha. Giá trị bình quân mỗi ha tăng từ 10-12 triệu đồng so với mô hình truyền thống. Riêng diện tích lúa được cấp chứng nhận VietGAP trên 100 ha.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU