Dòng người di chuyển trở về lần này chủ yếu là công nhân, lao động tự do lâu nay đang mưu sinh tại các thành phố lớn, các tỉnh thành có nền công nghiệp phát triển mạnh. Sự hồi hương bất đắc dĩ này đã gây ra nhiều hệ lụy, có lúc tạo nên “thảm họa nhân đạo” khiến người dân và chính quyền các địa phương rất lúng túng trong việc tiếp nhận, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Họ rời đi khi thành phố, địa phương họ từng sống và làm việc dịch bệnh vẫn không giảm đi mà càng bùng phát dữ dội. Kéo theo đó là hàng loạt công ty, nhà máy phải đóng cửa bởi một phần do dịch bệnh, một phần không có lao động; nguy cơ vi phạm hợp đồng đặt hàng, phá sản của doanh nghiệp đang hiện hữu.

Họ trở về trong điều kiện các địa phương vốn đã khó khăn, phải gồng mình để tiếp nhận, cách ly tập trung, chăm sóc y tế, sinh hoạt. Đáng lo hơn là mầm bệnh khó kiểm soát, lây chéo trong khu cách ly, lan ra cộng đồng. Sau nữa, khi hoàn thành cách ly, họ có tìm được việc làm phù hợp?…

Điều đáng mừng là thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển lao động. Theo thông tin tại hội nghị "Rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh" do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, trong những tháng cuối năm, có 34 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT). Một số doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động như: Công ty CP Dệt May Thiên An Phú, Công ty CP Scavi Huế… Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với con số gần 20.000 người đang cần giải quyết lao động được đưa ra tại hội nghị.

Lâu nay, việc thành lập các KCN, KKT để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân rất được các địa phương quan tâm. Song trong thực tế, lĩnh vực này, các tỉnh thành miền Trung vẫn yếu thế hơn cả; trong đó, có nguyên nhân được cho là do điều kiện thời tiết bất lợi, hạ tầng phục vụ sản xuất, vận chuyển khó khăn trong mắt nhiều nhà đầu tư. Số lượng các công ty, nhà máy có chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao góp mặt tại dải đất miền Trung còn khiêm tốn. Theo đó, nguồn phúc lợi từ các KCN, KKT thấp, đồng thời với trả lương thấp đã không giữ chân được những lao động có trình độ cao và cũng không giải quyết được nhiều lao động.

Trong khi đó, lực lượng lao động lại phải tập trung nhiều tại một số tỉnh thành, tạo nên tình trạng mật độ dân cư đông đúc, không chỉ làm dịch bệnh dễ lây lan, khó kiểm soát mà còn ảnh hưởng phức tạp đến môi trường, an ninh trật tự…

Hy vọng sau đại dịch này sẽ có sự thay đổi. Muốn vậy, rất cần sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung trong quảng bá, khắc phục những yếu tố do chủ quan, khách quan nhằm đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh, cũng như sự hợp tác của các nhà đầu tư, để từng bước phân bổ lại hài hòa, hợp lý các nhà máy, cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương, góp phần cân đối lại nguồn lao động, dân cư.

Đặng Thành