Dù mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang nhưng giọng của anh vẫn rất rõ ràng cùng với điệu nhạc tươi tắn, những bước nhún nhảy uyển chuyển đã làm sân tòa nhà lúc đó như bừng sức sống sau bao ngày vắng lặng, buồn bã.

Hiệu ứng tươi vui đó lập tức lan toả đến các tầng của tòa nhà, mọi người bắt đầu mở cửa và bước ra trước hành lang vỗ tay và nhảy múa theo điệu nhạc. Dưới sân, ca sĩ Phi Hùng cũng có thêm “dàn vũ công mặc đồ bảo hộ” là các y, bác sĩ, tình nguyện viên cũng góp vui với những điệu nhảy “độc lạ” khiến cho không gian hôm ấy càng thêm vui nhộn. Khoảnh khắc đó dường như cả người hát lẫn người cổ vũ và người xem qua màn hình điện thoại đều quên đi những mát mát đau thương, khó khăn bủa vây do COVID-19. Dù khẩu trang và cả kính bảo hộ, nhưng ai cũng có thể nhìn thấy những ánh mắt rạng ngời khi điệu nhạc vang lên.

Có thể thấy, âm nhạc giúp xoa dịu rất nhiều nỗi đau thương và khiến con người trở nên lạc quan hơn. Ở hoàn cảnh nào thì món ăn tinh thần là âm nhạc và sách cũng luôn cần thiết. Thế nên, trong đại dịch này, ngoài sách thì phong trào sáng tác nhạc để cổ vũ động viên tinh thần vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh đã được rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ của các nước trên thế giới sáng tác và thể hiện.

Bài hát “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID!” với giai điệu tươi vui, mạnh mẽ mà tôi vẫn thường nghe và hát theo mỗi sáng khi ngang qua Trung tâm Thông tin điện ảnh tỉnh cũng là một trong bài hát hay của Việt Nam để cổ vũ tinh thần, quyết tâm chiến thắng đại dịch này.

Chưa phổ biến như “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID!” nhưng bài hát “Đại dịch COVID sẽ tan” của nhạc sĩ Văn Đen (Huế) và rất nhiều bài hát của các nhạc sĩ khác sáng tác trong giai đoạn này cũng trên tinh thần lạc quan và tin tưởng cuộc chiến chống dịch bệnh của chúng ta sẽ sớm thắng lợi. Đó cũng có lẽ là “liều thuốc” tinh thần bổ ích trong giai đoạn hiện nay dành cho người bệnh, cách ly y tế và lực lượng tuyến đầu cũng như người dân thêm vững tin để vượt qua những ngày gian khó.

Tôi cũng đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một ca sĩ nước ngoài đứng ở cửa sổ căn nhà mình đang phong tỏa đàn hát cho cư dân của khu nhà mình và cả khu nhà đối diện nghe những bản nhạc trữ tình, sâu lắng. Khi tiếng hát, tiếng đàn vang lên, như một hiệu ứng dây chuyền lần lượt các cửa sổ khác đều mở. Từng gia đình hướng ra phía ấy và đàn hát theo. Âm thanh dịu vợi ấy như kéo dài không dứt khiến người xem cũng cảm thấy lòng mình lắng lại và dễ chịu hơn.

Vậy nên, Nguyễn Phi Hùng và nhiều ca sĩ khác bất chấp hiểm nguy đến những nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 để hát cho họ nghe, cổ vũ tinh thần cho họ sớm bình phục trở lại. Một người quen của tôi làm bác sĩ điều trị bệnh nhân ung thư nói rằng, ngoài phác đồ điều trị khoa học, thuốc, xạ trị... thì giữ tinh thần lạc quan là “chìa khoá vàng” giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật. Cách này cũng đúng với rất nhiều bệnh tật khác, trong đó có bệnh COVID-19. Điều này cũng đã được một số F0 (bệnh nhân COVID-19) đã khỏi bệnh chia sẻ trên facebook cá nhân và truyền thông...

Dịch bệnh có thể còn kéo dài và những khó khăn sẽ khó lường hết, song thay vì sợ hãi, lo âu, mỗi chúng ta, ngoài chấp hành tốt những quy định phòng, chống dịch bệnh của các cấp, nếu không thể đóng góp bằng những việc làm, hành động ý nghĩa như lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên hoặc như các ca sĩ, nghệ sĩ thì giữ tinh thần lạc quan cũng là cách góp phần chiến thắng đại dịch. Biết đâu chỉ cần một điệu nhạc vui tươi hàng ngày cũng đã giúp bạn đạt được điều đó.

Hồng Tâm