Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kiểm tra dự án ở Vinh Thanh (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Tạo điệu kiện tối đa cho nhà đầu tư
UBND tỉnh vừa ban hành đề án “Phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng tại Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao là 10 cơ sở và năm 2030 con số này khoảng 15 đơn vị; trong đó sẽ có một số khách sạn có thương hiệu quốc tế. Chậm nhất là vào năm 2025, khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ là Khu du lịch Quốc gia đầu tiên của tỉnh được công nhận và năm 2030 sẽ có thêm Khu du lịch Quốc gia Thanh Tân. Ngoài ra, sẽ kêu gọi đầu tư khoảng một hoặc hai khu vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không đến được tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, khảo sát. Để thu hút đầu tư, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ trực tuyến các dự án kêu gọi đầu tư trên toàn tỉnh giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận, cập nhật thông tin và địa điểm của các dự án kêu gọi đầu tư một cách thuận tiện và dễ dàng. Tiến hành xác định diện tích, quy mô, hiện trạng, quy hoạch và các vấn đề liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc trình chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm.
Du lịch Huế cần có những sản phẩm mới, hấp dẫn hơn nữa để tạo sức hút mới, góp phần thu hút đầu tư (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi vào đầu tư tại Huế sẽ được tháo gỡ phần nào khi hiện nay các dự án sẽ được giao đất từng phần. Theo đó, trong một dự án lớn sẽ chia ra từng dự án nhỏ và tiến hành giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án theo kiểu “cuốn chiếu”, hạn chế ảnh hưởng đến phương án tài chính khi đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, để tăng cường khả năng thu hút đầu tư, tỉnh sẽ chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm, từ đó, có giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, khơi thông dòng chảy đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng,… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; công tác phối hợp giữa các ngành, thủ tục hành chính, quy trình vận hành phải chặt chẽ hơn.
Đồng bộ hai giải pháp
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Tập đoàn BRG tại Thừa Thiên Huế phân tích, để nhà đầu tư “rót” một số vốn lớn là không phải đơn giản. Nhà đầu tư phải có sự tính toán giữa các điểm đến, chọn nơi nào có khả năng thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao hơn. Trong khi đó, địa phương nào cũng có chính sách trải thảm nên sự cạnh tranh ngày càng lớn. Trong quá thực hiện các dự án ở Huế hiện nay thường bị vướng vào một số quy định, nhưng quá trình giải quyết, tháo gỡ rất chậm. Đó cũng là lý do mà tạo ra cảm giác “trên nóng dưới lạnh”.
“Cơ hội không nhiều, vướng mắc như nhau, nhưng địa phương nào tháo gỡ chậm, đồng nghĩa mất nhà đầu tư. Do đó, việc “chăm sóc” nhà đầu tư phải kỹ lưỡng hơn. Cần theo sát, tinh thần gỡ vướng thật nhanh, từ khi kêu gọi đầu tư đến khi nhà đầu tư đặt viên gạch đầu tiên”, ông Đinh Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Chăm lo cho nhà đầu tư là một giải pháp, nhưng một giải pháp phải thực hiện song song chính là thị trường du lịch, sức hút của du lịch Thừa Thiên Huế. Như đã phân tích ở trên, để nhà đầu tư quyết định đầu tư là khả năng thu hồi vốn và sinh lời nhanh nhất có thể. Nếu một điểm đến có sức hút tốt, khách du lịch tăng trưởng ổn định sẽ là điều kiện đủ để thu hút nhà đầu tư. Xét về tổng thể chung, du lịch Thừa Thiên Huế đang thiếu sức hút so với nhiều địa phương trong khu vực. Điều này đòi hỏi du lịch Huế phải có những giải pháp, có những sản phẩm mới, hấp dẫn hơn để tăng khả năng thu hút khách.
Thời gian qua, đã bàn nhiều về vấn đề tăng chuyến bay để đưa khách đến Huế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng chi nhánh Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Huế lại khẳng định, hàng không là cầu nối mang khách đến các điểm du lịch đang hấp dẫn khách. Điểm đến có hấp dẫn thì nhu cầu khách đến nhiều, các hãng hàng không mới tăng tải chở đến. Ngược lại, hàng không có mở tuyến, tăng chuyến mà điểm đến không hấp dẫn thì chẳng có khách. Thế nên, để du lịch địa phương phát triển thì nội tại nó phải tạo ra tính hấp dẫn du khách trước.
Được biết, để tăng sức hút cho sản phẩm di sản, việc chuyển đổi mô hình hoạt động để khai thác di sản đang được thực hiện. Mục tiêu là vừa đảm bảo hiệu quả bảo tồn và khai thác du lịch hiệu quả. Ông Trần Hữu Thuỳ Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nhiều sản phẩm du lịch, điểm đến mới cũng được khai thác, bổ sung thêm cho du lịch văn hóa – di sản. Quyết tâm của ngành là phải tạo được sức hút lớn hơn cho du lịch Huế để thu hút được các nhà đầu mới.
Trong một lần đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư, ông Don Lâm, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital lưu ý, xét về góc độ đầu tư, quan trọng nhất là hạ tầng. Biển có đẹp nhưng máy bay không kết nối được thì không ai đến. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, mà nhà đầu tư lớn thì phải có quy hoạch trước, lập quỹ đất sạch. Thứ hai là minh bạch về hạ tầng, giao thông, điện, nước... Lợi thế về cạnh tranh thu hút đầu tư ở miền Trung nói chung và Huế nói riêng là rất cao, khi giá phòng lưu trú khá cao, nhưng giá thuê đất, chi chí xây dựng thấp thấp hơn so với nhiều điểm đến khác.
Ông Ho Kwon Ping, người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Banyan Tree Holdings and Resorts Pte (chủ đầu tư Laguna Lăng Cô) cũng từng nhấn mạnh, quyết định đầu tư khu nghỉ dưỡng ở xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc chính là khả năng di chuyển, đưa khách đến. Laguna Lăng Cô nằm giữa và cách 2 sân bay Đà Nẵng và Phú Bài chỉ khoảng 30 – 40km.
Vướng đâu, gỡ đó
Vốn đầu tư là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của mọi điểm đến, nhất là với những tỉnh có quy mô kinh tế còn tương đối như Thừa Thiên Huế. Với giai đoạn nhiều thay đổi do dịch bệnh, cần có những chiến lược mới trong thu hút nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, khi nhu cầu, thị trường có sự chuyển dịch lớn.
Theo các chuyên gia, dù giai đoạn nào đi chăng nữa, để việc đầu tư hiệu quả, cần có quy trình tối ưu. Quy trình chặt chẽ hơn trong thẩm định lựa chọn nhà đầu tư. Kế hoạch đầu tư cần lâu dài, hợp tác chặt chẽ và chia sẻ lợi nhuận cho địa phương. Thu hút đầu tư là quan trọng, nhưng cần có sự chọn lọc những nhà đầu tư có tâm với vùng đất, không nên bằng mọi giá mà dễ dãi trong thu hút đầu tư.
Tại hội nghị Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào năm 2019, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, người nước ngoài có câu đánh giá với người Việt rằng: “Các bạn thông minh, nhưng dễ hài lòng, đơn giản trong cách nghĩ và không dám dấn thân, trừ khi hoàn cảnh bắt buộc”. Nhận định này quả là rất đúng, chỉ khi nào bắt buộc lắm, mới “động đậy”. Do đó, phải tạo ra hoàn cảnh bắt buộc. Lãnh đạo tỉnh phải gia tăng áp lực liên tục, để bộ máy luôn đặt trong chế độ “nóng” nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, với tinh thần vướng đâu, gỡ đó, tỉnh đã và tiếp tục thành lập các tổ giúp việc. Mỗi lĩnh vực sẽ được giao về một đầu mối. Cá nhân, tổ chức được giao trách nhiệm làm đầu mối phải báo cáo công việc liên tục. Khi nhiệm vụ được giao mà không hoàn thành, đơn vị đầu mối sẽ chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung vào các điểm vướng mắc để giải quyết triệt để trong thời gian tới. Về vĩ mô, tập trung các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Bài, ảnh: Đức Quang