82% tổng số người bị cao huyết áp trên thế giới sống ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Đáng chú ý, cao huyết áp được xem là một tình trạng y tế nghiêm trọng, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim, não, thận và những căn bệnh khác.

Nghiên cứu do trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) đồng dẫn đầu cho thấy, 82% tổng số người bị cao huyết áp, hay khoảng 1 tỷ người, sống ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo các nhà nghiên cứu, Canada, Peru và Thụy Sĩ nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ hiện mắc cao huyết áp thấp nhất trên thế giới vào năm 2019. Trong khi đó, một số tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở Cộng hòa Dominica, Jamaica và Paraguay đối với nữ giới; và Hungary, Paraguay và Ba Lan đối với nam giới.

Mặc dù không khó để chẩn đoán bệnh cao huyết áp và tương đối dễ để điều trị tình trạng này bằng các loại thuốc chi phí thấp; song, nghiên cứu nói trên đã phát hiện ra những lỗ hổng đáng kể trong chẩn đoán và điều trị. Khoảng 580 triệu người bị cao huyết áp không biết về tình trạng của họ, vì họ không bao giờ được chẩn đoán bệnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn một nửa số người bị cao huyết áp, hay tổng số 720 triệu người, không nhận được sự điều trị mà họ cần.

Cụ thể, nam giới và nữ giới ở Canada, Iceland và Hàn Quốc có nhiều khả năng nhận được thuốc để điều trị và kiểm soát bệnh cao huyết áp nhất, với hơn 70% những người mắc bệnh nhận được điều trị vào năm 2019. Trong khi đó, nam giới và nữ giới ở khu vực châu Phi hạ Sahara, Trung, Nam và Đông Nam Á, cũng như các quốc đảo Thái Bình Dương là những người ít có khả năng nhận thuốc điều trị nhất.

Ngoài ra, WHO lưu ý, tổng số người trưởng thành trong độ tuổi 30-79 bị cao huyết áp đã tăng gấp đôi, từ mức 650 triệu người lên mức 1,28 tỷ người kể từ năm 1990. Tuy nhiên, điều này chủ yếu là do sự gia tăng và già hóa dân số, và tỷ lệ người bị cao huyết áp đã thay đổi không nhiều.

Thanh Ngân (Lược dịch từ UN News)