Cách đây 76 năm, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Á. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, Nhân dân ta đã làm nên một cuộc cách mạng long trời lở đất giành độc lập, tự do, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Với tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, Nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, chấm dứt hàng ngàn năm dưới ách nô lệ, áp bức, của chế độ phong kiến và đế quốc thực dân. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là sức mạnh tinh thần của cả dân tộc với quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”. Thành quả đó là từ sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc với tinh thần “Nhất định không chịu làm nô lệ”.

Bước sang năm 2020, nước ta lại đứng trước một thử thách lớn: Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện trong nước. Đây là một đại dịch nghiêm trọng không chỉ ở nước ta mà lây lan ở nhiều nước trên thế giới, với tốc độ lây nhanh, tỉ lệ tử vong cao, kể cả các nước phát triển, y học hiện đại.

Chúng ta đã từng chiến thắng những cuộc đại dịch vài chục năm trước, nhưng đại dịch lần này là nguy hiểm nhất, chưa có thuốc đặc trị từ ban đầu. Đặc biệt là đợt dịch thứ tư ở nước ta (từ cuối tháng 4/2021 đến nay) lây lan ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đe dọa khủng hoảng kinh tế, an sinh xã hội, tính mạng và sức khỏe toàn dân. Đó là thách thức lớn đối với Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt nam.

Trước tình thế đó càng chứng minh được bản lĩnh vững vàng của Đảng và tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân ta.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, ngày 29/7/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát đi lời kêu gọi: “Chúng ta đã cố gắng cần cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát”. Đó như một lời hiệu triệu mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân quyết tâm vượt qua đại dịch.

Trong khó khăn, nguy hiểm, hàng vạn chiến sĩ công an, quân đội, nhân viên y tế tình nguyện xông pha tuyến đầu, những nơi dịch bệnh nghiêm trọng. Trong đợt bùng phát dịch thứ tư với tốc độ lây lan nhanh, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đã có hàng vạn cán bộ tình nguyện đi vào tâm dịch với quyết tâm cao nhất vì tính mạng, sức khỏe của Nhân dân. Cùng với đó, với tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, “chia lửa với vùng dich”... Nhân dân nhiều nơi đã quyên góp kinh phí, lương thực, thực phẩm chia sẻ khó khăn với người dân bị cách ly. Hưởng ứng phát động và lời kêu gọi của Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cả nước bằng các hình thức đã đóng góp hàng ngàn tỉ đồng, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ y tế cho chống dịch.

Từ cụ già, em nhỏ đến những người còn khó khăn đã tự nguyện đóng góp cho Quỹ vắc-xin, ủng hộ từng bó rau, quả trứng; phụ nữ tự nguyện đóng góp từng hộp cá kho, thức ăn khô, thực phẩm thiết yếu... chuyển đến các địa phương bị cách ly. Nặng nghĩa tình hơn, nhiều cá nhân, tập thể tự nguyện ra tận quốc lộ tiếp nước, chi viện đồ ăn và hỗ trợ kinh phí cho bà con trên đường trở về quê. Trong hoàn cảnh điều kiện khó khăn, éo le mới cảm nhận được hết tình người, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.

Lúc này, “Hũ gạo cứu đói” được Bác Hồ phát động năm xưa lại được tái hiện. Tuy khác nhau về hoàn cảnh nhưng đã thể hiện mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của Nhân dân ta. Tinh thần đó trong đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch COVID-19 nhưng với truyền thống đoàn kết toàn dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua.

NGUYỄN AN HÒA