Các tuabin gió tại biển Baltic, phía bắc Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phân tích cho thấy, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ ngành điện toàn cầu đã tăng vọt vượt mức trước đại dịch, lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, nhu cầu điện năng cũng vượt mức tăng trưởng của năng lượng tái tạo.

Cụ thể, 61% điện năng trên thế giới vào năm 2020 vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch. Cũng trong năm ngoái, 5 quốc gia thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có hơn 75% lượng điện năng được cung cấp từ nhiên liệu hóa thạch; trong đó, Saudi Arabia ở mức 100%, Nam Phi là 89%, Indonesia là 83%, Mexico là 75%, và Australia là 75%.

Nghiên cứu cảnh báo, quá trình chuyển đổi của thế giới khỏi điện than, lĩnh vực đóng góp vào khoảng 30% lượng khí thải nhà kính của thế giới, đang diễn ra quá chậm để tránh được những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong một tuyên bố, nhà phân tích hàng đầu của Ember, ông Dave Jones cho rằng, việc sử dụng điện than phải giảm 80% vào cuối thập kỷ này, nhằm tránh mức độ nguy hiểm của tình trạng ấm lên toàn cầu trên mức 1,5 độ C.

Các phát hiện nói trên được đưa ra trước thềm một hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu của Liên Hiệp quốc (LHQ) ở thành phố Glasgow (Scotland) vào tháng 11 tới, nơi các nhà đàm phán sẽ thúc đẩy những hành động tham vọng hơn về khí hậu, cũng như các cam kết giảm phát thải từ các quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý, nghiên cứu của Ember cũng chỉ ra một số khía cạnh tích cực. Chẳng hạn như, năng lượng gió và năng lượng Mặt trời đã tăng 15% trong năm 2020, sản xuất gần một phần mười lượng điện năng của thế giới, đồng thời đánh dấu mức tăng gấp đôi về sản lượng kể từ năm 2015.

Một số quốc gia hiện có được khoảng 10% điện năng từ gió và năng lượng Mặt trời, bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Brazil. Mỹ và khu vực châu Âu đã chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất về năng lượng gió và năng lượng Mặt trời; trong đó, Đức ở mức 33% và Vương quốc Anh là 29%.

Thanh Ngân (Lược dịch từ CNBC)