Khi nói về cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân vào năm 1916, các nguồn tư liệu lịch sử có nhắc đến sự kiện: “Đêm 2 tháng 5, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua Duy Tân. Nhà vua cải trang theo lối thường dân đi cùng hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Họ tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế. Nhưng chờ đến ba giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916 họ bị bắt”.

Vậy, những người đã giúp đỡ vua Duy Tân trong thời gian ở Hà Trung gồm những ai? Từ những ghi chép trên, chúng tôi đã tìm về khu vực phá Hà Trung, hiện nay là địa bàn 2 xã Vinh Hà, Phú Gia (thuộc huyện Phú Vang), để tìm hiểu rõ hơn sự kiện và các nhân vật này.

Lăng mộ ông bà Mai Xuân Trí tại khuôn viên nhà thờ, xã Vinh Hà

Người phụ nữ làm liên lạc và chèo đò chở vua Duy Tân

Bà có tên là Nguyễn Thị Vinh quê ở thôn Hà Trữ (xã Phú Gia), chồng là ông Đỗ Quỳnh (còn gọi là ông Khóa Đồ), quê ở thôn Đức Thái, xã Phú Đa, là một nhà nho, có tinh thần yêu nước. Trong quãng thời gian từ năm 1905, Đỗ Quỳnh có mối quan hệ với Nguyễn Hàng Chi và Lê Đình Mộng (ở làng Dạ Lê Gót, phường Thủy Vân, TP. Huế), lãnh đạo nhân dân địa phương tham gia phong trào đấu tranh chống thuế tại Huế năm 1908, bị thực dân Pháp truy bắt, cụ phải bỏ quê hương và gia đình rồi trốn sang Thái Lan để lánh nạn và mất tại đó.

Ở nhà, bà Nguyễn Thị Vinh tiếp tục sự nghiệp của chồng, năm 1916, cùng với các sĩ phu yêu nước và nhân dân vùng ven kinh đô Huế, tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Âm mưu bị bại lộ, bà làm người liên lạc và chèo đò đưa vua Duy Tân cùng đoàn tùy tùng về lánh nạn tại nhà ông Mai Xuân Trí, làng Hà Trung (xã Vinh Hà).

Sau sự kiện đó, toàn bộ những người giúp vua Duy Tân đều bị bắt. Bà Nguyễn Thị Vinh cùng con trai là Đỗ Tram bị thực dân Pháp giam vào lao Thừa Phủ. Năm 1918, bà và con trai được ra tù và tiếp tục về quê tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Gia đình bà rất giàu có, bản thân bà rất được mọi người kính trọng.

Năm 1929, khi cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Huế, bà thường xuyên đưa con trai gặp cụ Phan Bội Châu và đi thăm mộ Trần Cao Vân. Đặc biệt năm 1945, để cứu đói dân làng Hà Trữ cũng như con dân huyện Phú Vang, bà Nguyễn Thị Vinh đã quyết định bán 108 mẫu ruộng cho một địa chủ người Phú Lộc với điều kiện là chỉ lấy lúa không lấy tiền nhằm giúp đỡ cứu đói cho dân làng. Đây là một việc làm đã gây tiếng vang lớn đối với người dân trong địa phương mỗi khi nhắc đến công đức của bà.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, bà đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước cho đến khi mất tháng 8 năm 1947. Lễ truy điệu của bà được Chính phủ cách mạng tổ chức theo nghi thức nhà nước, phủ quốc kỳ. Đây là một vinh dự rất đáng tự hào dành cho người phụ nữ túc trí đa mưu, biết vượt lên số phận, hy sinh bản thân mình để lo cho dân, cho nước.

Hiện, lăng mộ của bà Nguyễn Thị Vinh được an táng tại nghĩa trang làng Hà Trữ, xã Phú Gia, huyện Phú Vang.

Nơi vua Duy Tân từng ngự giá và lánh nạn

Theo sử liệu, ông Mai Xuân Trí (Trùm Trí) sống tại làng Hà Trung (xã Vinh Hà) là hội viên của Việt Nam Quang phục hội. Theo gia phả dòng họ cho biết, bố của ông là Mai Xuân Ai, là một địa chủ rất giàu có. Sau khi cụ qua đời đã để lại gia sản và sự nghiệp cho cụ Trí, bản thân cụ Trí là một Trùm làng (Lý trưởng) nhưng hiền lành, hay giúp đỡ người dân và có mối quan hệ mật thiết với vua Duy Tân.

Cụ Trí đã từng làm nhà để vua ngự giá mỗi khi ngang đầm Hà Trung. Chính vì vậy, sau cuộc binh biến năm 1916, ngôi nhà cụ Trí là nơi vua Duy Tân chọn làm chỗ lánh nạn để tiếp tục ra cửa Tư Hiền bằng đường biển đi vào Quảng Nam. Tại ngôi nhà này, cụ Mai Xuân Trí đã chăm lo nơi ăn, bố trí bộ phản cho vua nghỉ ngơi. Khi sự việc bại lộ, vua Duy Tân bị bắt, thực dân Pháp đã phát lệnh truy bắt những người đã giúp đỡ nhà vua, trong đó có cụ Mai Xuân Trí bị bắt và giam vào nhà tù Lao Bảo cho đến khi mất.

Cụ Mai Xuân Trí có vợ nhưng không có con. Sau khi cụ mất, người anh của cụ là Mai Bình cùng với hậu duệ là Mai Xá, Mai Xuân Tăng, Mai Xuân Tập lập tự trên đất của cụ Trí. Năm 1956, để tưởng nhớ công đức của cụ Trí, con cháu đã đưa hài cốt của cụ từ Quảng Trị về an táng tại chính ngôi vườn mà trước đây cụ từng sinh sống. Hiện nay, tại ngôi nhà của ông Mai Xuân Tập, hậu duệ vẫn còn lưu giữ lại bộ phản là hiện vật mà vua Duy Tân đã từng nghỉ ngơi.

Ngôi nhà của cụ Trí từng được Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Trần Hoàn cùng hậu duệ con cháu vua Duy Tân thăm viếng để tưởng nhớ công lao của cụ đối với phong trào yêu nước của vua Duy Tân do Thái Phiên, Trần Cao Vân khởi xướng.

Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 đã quy tụ, từ một nhà vua yêu nước sẵn sàng rũ bỏ ngai vàng, đến sự hy sinh thầm lặng của những người dân bình thường ở những làng xóm âm thầm ven đô hay ở những miền nông thôn, rừng núi xa xôi. Tựu chung, vẫn là biểu hiện ý chí bất khuất, quyết xả thân vì nghĩa lớn của dân tộc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do.

Ngô Minh Thuấn