Tuy nhiên, có vẻ như yêu cầu này đã đi sau thực tế của diễn biến thị trường. Cụ thể, từ tháng 7/2021, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay và giảm phí. Ví dụ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến hết năm 2021 giảm lãi suất cho vay với những gói vay hiện hữu đến ngày 15/7; đồng thời triển khai các gói cho vay mới với lãi suất thấp, với mức giảm rất mạnh từ 0,5-1,5 điểm %. Các khách hàng đã từng được áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.

Tương tự, Vietinbank, Sacombank, Agribank và nhiều ngân hàng khác cũng công bố giảm lãi suất. Nhiều gói vay đưa ra với lãi suất chỉ 4%.

Nói sòng phẳng, trước những ảnh hưởng đa chiều của dịch bệnh đến sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Nền kinh tế có nhiều trục trặc do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân yếu nên ngân hàng không điều chỉnh lãi suất cũng không được.

Có hai yếu tố hỗ trợ để cho phép các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay, đó là tăng trưởng vốn huy động rất mạnh và lợi nhuận của khối ngân hàng cũng nhiều. Chỉ tính riêng 13 ngân hàng công bố lợi nhuận trong quí 2/2021 sớm là Techcombank, SeABank, OCB, Saigonbank…đã lên đến trên 30.000 tỷ đồng trước thuế. Không ít ngân hàng mức lợi nhuận tăng trưởng đến vài trăm %. Một số liệu khác cho biết, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng trong quí 2/2021 tăng rất mạnh, đến 44,2%. Hai dữ kiện nêu trên, cộng với nhu cầu vốn yếu là những dữ kiện quá đủ để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất nó đi theo hiệu ứng domino, một vài ngân hàng công bố giảm lãi suất và các gói tín dụng lãi suất thấp thì kéo theo nhiều ngân hàng cùng giảm.

Thị trường vốn cũng như nhiều loại thị trường khác, nó cũng cần điều chỉnh theo quy luật cung - cầu. Có khác chăng, thị trường vốn là một thị trường đặc biệt, nó liên quan mật thiết và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Bởi vậy nên nó được quản lý chặt chẽ và có sự định hướng. Phải chăng, công văn của Ngân hàng Nhà nước nói trên là một sự định hướng?

Tuy nhiên, công văn nói trên có vẻ như còn một hàm ý khác nữa - dư địa vẫn còn để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Có phải chính vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước ra công văn “thúc giục”?

Chúng ta đều biết, công bố các gói hỗ trợ tín dụng là một việc, còn doanh nghiệp có tiếp cận được hay không là một việc khác. Nếu mức lãi suất thấp chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, ví dụ như từ nay đến cuối năm như một số ngân hàng công bố, sau đó là thực hiện lãi suất theo thị trường thì có khi, mức lãi suất thấp bây giờ chưa hẳn là một “miếng bánh ngon”. Mức lãi suất này cần thực hiện với một khung thời gian đủ dài để các doanh nghiệp tính toán mà tiếp cận. Đó mới là sự tăng trưởng tín dụng bền vững.

NGUYÊN LÊ