Doanh nghiệp cần sự đồng hành của chính quyền để ổn định sản xuất

TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn chống dịch cam go nhất. Hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày khiến chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp mạnh.

Hệ lụy COVID-19 khiến đầu tàu kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc siết chặt các hoạt động đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Và DN khối FDI cũng không ngoại lệ, sản xuất bị đình trệ, công nhân mất việc làm, đặc biệt việc lưu thông hàng hóa bị “đóng băng’’.

Nhiều DN khối FDI tại TP. Hồ Chí Minh đang bày tỏ lo ngại. Đỉnh điểm là việc nếu tình hình sản xuất bị tạm ngưng quá lâu, dòng vốn FDI cũng sẽ rời bỏ địa phương này. Thực tế, việc giãn cách kéo dài do dịch bệnh khiến một số đối tác ở TP. Hồ Chí Minh đã dịch chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia khác.

Trên bình diện cả nước, TP. Hồ Chí Minh luôn là địa phương tốp đầu cả nước về thu hút FDI. Trước làn sóng COVID-19 làm thành phố tổn thương như lúc này thì trong 5 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có hơn 1,34 tỷ USD vốn FDI đầu tư. So với cùng kỳ, con số này cũng đã giảm trên 15%, nên bây giờ chắc hẳn sẽ rơi vào tình trạng báo động.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của cả nước đạt 10,5 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Song, chính ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến dòng vốn ngoại thực hiện trong tháng 7 giảm hơn 14% so với cùng kỳ và giảm đến gần 40% so với tháng 6. Viện dẫn con số ấy để thấy rằng, COVID-19 càng phức tạp, các DN FDI càng không mặn mà rót vốn đầu tư.

Tại Thừa Thiên Huế những năm gần đây, sự chuyển biến từ những chính sách, cơ chế hỗ trợ DN giúp tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư thuộc khối FDI. Nhờ vậy mà hàng chục ngàn lao động được giải quyết việc làm, riêng giai đoạn 2016-2020 khu vực FDI đóng góp khoảng 446,3 triệu USD vào ngân sách, tăng 35,3% so với giai đoạn 2011-2015. Chỉ tính riêng dự án sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam đã chiếm đến hơn 20% tổng thu ngân sách toàn tỉnh hàng năm. Nếu để đứt gãy dòng vốn ngoại, nền kinh tế sẽ lao đao.

Đến lúc này, dẫu kiểm soát dịch bệnh khá tốt nhưng Thừa Thiên Huế vẫn nằm trong bối cảnh chung của cả nước, tình hình hoạt động các DN FDI bị tác động không nhỏ, tiến độ triển khai xây dựng của nhiều DN bị chậm. Việc thu hút đầu tư cũng rất khó khăn.

“Sống chung” với COVID-19, quan điểm ấy là phù hợp trong tình hình hiện nay bởi không ai chắc chắn rằng thời điểm mà COVID-19 sẽ chấm dứt. DN cũng vậy, ngoài nội lực sẵn có, họ cũng cần sự hỗ trợ hơn nữa đến từ chính quyền địa phương, sự chia sẻ trong chính sách, cơ chế như, giảm thuế, “phủ xanh” vắc-xin cho người lao động… góp phần quan trọng giúp DN trụ vững trước sự ảnh hưởng của COVID-19.

Thu hút đầu tư khó khăn, tỉnh cũng linh động các giải pháp về việc thu hút đầu tư trực tuyến, thu hút đầu tư tại chỗ… Song, thiết nghĩ, việc ổn định sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu của các DN FDI trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong thời điểm này. Dẫu chống dịch vẫn là ưu tiên số một song, việc tính toán đường dài để duy trì sản xuất là cách để ổn định dòng vốn ngoại. Mặt khác, công tác chuẩn bị những điều kiện, môi trường đầu tư trên các lĩnh vực cũng phải lên kế hoạch để tạo sự thuận lợi trong việc thu hút những dòng vốn lớn hơn khi đại dịch lắng xuống.

Bây giờ, bằng mọi giá phải kiểm soát dịch bệnh một cách nhanh chóng nhất, nếu không việc khơi thông dòng vốn FDI sẽ rất khó khăn. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế lẫn đời sống của người lao động.

Bài, ảnh: LÊ THỌ