Các công trình thủy điện có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão

Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ

Những thảm họa sạt lở núi mùa mưa bão năm 2020 là bài học vẫn còn nguyên. Câu chuyện tại Thủy điện Rào Trăng 3 có lẽ còn rất lâu nữa mới phai mờ trong tâm trí người dân. Mới đó thôi mà bây giờ, mùa mưa bão sắp đến, người dân lại đối diện nỗi lo sạt lở.

Tại nhiều buổi tiếp dân của các lãnh đạo tỉnh, huyện tại địa phương miền núi, người dân luôn kiến nghị về tình trạng sạt lở uy hiếp cuộc sống của họ. Điển hình như tại Nam Đông, hàng chục hộ dân Thượng Nhật sống trong vùng “nguy hiểm” Thủy điện Thượng Nhật hay hơn 20 hộ dân thị trấn Khe Tre kẹt giữa giữa 2 tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B.

Họ đối diện với nguy cơ sạt lở chực chờ khi nhiều ngôi nhà cạnh đồi, núi đã được bạt đi xây dựng cao tốc, công trình. Sự hiểm nguy này buộc UBND huyện Nam Đông phải kiến nghị cấp trên xây dựng khu tái định cư. Nhưng trước mắt họ phải chờ. “Chúng tôi đang sống ngay tại điểm có nguy cơ sạt lở cao và nhiều lần có ý kiến với cơ quan chức năng. Nếu không giải quyết kịp thời, đến mùa mưa bão ai cũng thấp thỏm lo âu”, ông Trần Văn Thành (thị trấn Khe Tre) chia sẻ.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, toàn tỉnh đã có 48 điểm xảy ra sạt lở đất. Ở Phong Điền có Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Ngoài ra, khu vực xã Phong Xuân có nhiều điểm xảy ra sụt lún đất. Hương Trà trượt lở đất đá tập trung tại các xã Hương Thọ, Bình Thành, Bình Điền, Bình Tiến; riêng các đoạn đường vào nhà máy Thủy điện Hương Điền có nguy cơ sạt, trượt đất đá mái ta luy và sườn đồi núi rất cao. Tại A Lưới khu vực Bốt Đỏ bị sạt lở đất dưới chân đồi tạo các vết trượt dài xuống khu dân cư, xuất hiện các vết nứt gãy, nguy cơ xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống với diện tích khoảng 1,6 ha. Phú Lộc nguy cơ trượt lở đất đá đồi núi thuộc xã Xuân Lộc, khu vực các đèo: Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân...

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết, ngay cả khu vực đầu mối các công trình thủy điện, thủy lợi như, hồ Tả Trạch, hồ Bình Điền, hồ Hương Điền, hồ A Lưới, hồ Truồi, hồ Thủy Yên; cụm công trình thủy điện trên sông Rào Trăng gồm: A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4; Thủy điện Thượng Nhật, Thủy điện A Roàng, Thủy điện sông Bồ... vẫn có nguy cơ sạt lở.

 Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020

Chủ động phòng tránh

Tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm qua tồn tại cho đến nay được xác định nguyên nhân do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình của con người làm tăng độ dốc sườn đồi, núi khi thi công các tuyến giao thông, kênh mương, đê đập, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn... Đến mùa mưa bão, sự giảm độ bền khi đất bị bão hòa nước, gia tăng áp lực thủy động của dòng ngầm... vào mùa mưa lũ cũng như quá trình phong hóa đất đá là nguyên nhân khách quan.

Hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, những thảm nạn cũng đã xảy ra khiến việc phòng tránh sạt lở đất không thể xem thường, đặc biệt khi mùa mưa bão năm nay đang đến gần.

Theo Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh, trong công tác triển khai ứng phó với loại hình thiên tai sạt lở đất, cơ quan chức năng chú ý đến công tác ứng phó với loại hình lũ quét, lũ ống và sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh. “Trước mỗi trận lũ, bão, UBND tỉnh, BCH PCTT & TKCN đã ban hành các công điện chỉ đạo ứng phó với lũ quét, sạt lở đất”, ông Hòa cho biết.

Nguồn lực đang là trở lực trong câu chuyện cho những giải pháp bền vững; trong đó, công tác di dời tái định cư cần kinh phí lớn và thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Trường đại học Khoa học, ĐH Huế tiến hành cắm nhiều bảng cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá như tại khu vực đèo Phú Gia, đèo mũi Né, khu vực đồi Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Lộc,… Thông báo, tuyên truyền người dân tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, nghiêm cấm việc xây dựng cơi nới công trình hiện có vi phạm chỉ giới đường sông; rà soát, cập nhật quy hoạch khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; tổ chức kiểm tra thực địa những vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét; triển khai lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cư cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Không riêng gì sạt lở đất, với tất cả các loại thiên tai, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống, đặc biệt trong thời điểm khí hậu đang diễn biến cực đoan, mưa bão thất thường. Việc trích lục bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét từ bản đồ chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đến cơ sở, người dân nhằm tổ chức triển khai phương án ứng phó cho phù hợp đóng vai trò quan trọng.

“Mùa mưa bão, địa phương cũng cần phân công người cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở và cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Văn Giang đề xuất.

Bài, ảnh: Lê Thọ