Dây chuyển sản xuất ô tô trong một nhà máy ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy ở khu vực châu Á, cũng như gây gián đoạn hoạt động vận chuyển, gây ra thêm nhiều cú sốc cho nền kinh tế thế giới.

Các nhà sản xuất lao đao từ tình trạng thiếu hụt các thành phần quan trọng cho đến chi phí nguyên liệu thô và năng lượng cao hơn, buộc phải tham gia vào cuộc chiến đấu thầu để có được chỗ trống trên các tàu chở hàng, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỷ lục, khiến một số nhà xuất khẩu phải tăng giá hoặc đơn giản là hủy toàn bộ các lô hàng.

Đáng chú ý, theo Chỉ số Container Thế giới của Drewry, chi phí để vận chuyển một container từ châu Á sang châu Âu cao hơn khoảng 10 lần so với tháng 5/2020, trong khi chi phí vận chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) đã tăng hơn 6 lần.

Ông Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Maybank Kim Eng Research ở Singapore cho biết, giá cước vận chuyển và giá chất bán dẫn cao hơn có thể dẫn đến lạm phát.

Tại Mỹ, theo kết quả của cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất trên các nhà kinh tế do Tạp chí Bloomberg thực hiện, các nhà dự báo đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay và nâng kỳ vọng lạm phát vào năm 2022. So với một năm trước đó, chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) hiện được dự báo ​​sẽ tăng 4% trong quý III, và 4,1% trong quý IV.

Sự lan rộng của biến thể Delta, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, đang gây khó khăn cho nhiều nhà máy trong việc hoạt động. Cũng trong tháng này, nhà sản xuất ô tô Toyota Motor cho hay, họ sẽ tạm dừng sản xuất tại 14 nhà máy trên khắp Nhật Bản, đồng thời cắt giảm sản lượng 40% do gián đoạn nguồn cung, bao gồm cả tình trạng thiếu hụt chip.

Trong khi đó, các công ty ở Vương quốc Anh đang phải đối mặt với mức tồn kho thấp kỷ lục, và giá bán lẻ đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2017. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế tại Đức cũng đang bị đe dọa. Một thước đo chính về niềm tin kinh doanh ở nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu, do Viện Ifo có trụ sở tại thành phố Munich (Đức) công bố ngày 25/8, đã giảm nhiều hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Sự sụt giảm một phần là do tình trạng thiếu hụt kim loại, các sản phẩm nhựa và chất bán dẫn, cũng như các loại hàng hóa khác.

Theo nhận định của ông Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Economics, khó có thể chứng kiến những nút thắt trong chuỗi cung ứng sớm được giải quyết, trong khi một số nhà xuất khẩu lớn vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát sự bùng phát của biến thể Delta. Điều này có thể tiếp tục kéo lùi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, bằng cách làm chậm lại sản xuất và đẩy chi phí lên cao.

Trong một động thái liên quan tại Đức, hơn một nửa trong số 3.000 doanh nghiệp được khảo sát bởi Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức dự báo, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg & The Japan Times)