Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (bìa trái) trao đổi với cơ sở trong chuyến làm việc tại Quảng Điền
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” nhằm phát huy và thực hiện quyền làm chủ của người dân khi thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Theo UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài, mục đích của chương trình “Nghe dân nói” nhằm phát huy tinh thần dân chủ, thực chất, có chiều sâu, thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng Nhân dân; lắng nghe ý kiến, góp ý của Nhân dân để khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, đóng góp ý tưởng tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực.
“Thông qua chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, sâu sát với cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư chính đáng của Nhân dân, tiếp thu các ý kiến của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền và các đề án phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Theo đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức gặp gỡ, nghe dân nói theo định kỳ, nghe dân nói đột xuất, tổ chức diễn đàn trên báo chí; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao việc xây dựng và triển khai chương trình “Nghe dân nói”. Khẳng định đây là kênh thông tin quan trọng nhằm phát huy vai trò của Nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, củng cố niềm tin, mối quan hệ mật thiết của người dân đối với Đảng, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trước các vấn đề Nhân dân quan tâm, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý, chương trình “Nghe dân nói” phải thực chất, có chủ đề, tránh hình thức, thực sự hiểu dân nói và có cơ chế phản hồi nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân. Việc tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ phải chu đáo, trang trọng, khoa học, cầu thị nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, từ đó giải quyết, xử lý các vấn đề bằng giải pháp có tính khả thi, hiệu quả hướng tới xây dựng hệ thông cấp ủy, bộ máy hành chính các cấp phục vụ, thân thiện.
Tin, ảnh: Thái Bình