Chương trình chia sẻ vaccine COVAX có thể không đạt được mục tiêu kỳ vọng trong năm nay. Ảnh: BBC/laodong

EIU dự đoán rằng các quốc gia không thể tiêm chủng đủ cho 60% dân số từ nay cho đến giữa năm 2022, sẽ tổn thất 2.300 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2025.

Bà Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU cho rằng “các quốc gia mới nổi sẽ gánh chịu khoảng 2/3 số thiệt hại này”, từ đó càng làm chậm nỗ lực hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn.

Về mặt tuyệt đối, châu Á sẽ là “châu lục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất”, với thiệt hại dự kiến ​​lên tới 1.700 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP dự báo của khu vực. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ phần trăm GDP, các nước ở châu Phi cận Sahara sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng nhất khi mất khoảng 3% GDP dự báo.

Đáng lo ngại hơn, EIU cho rằng những ước tính này chỉ mới phản ánh “một phần các cơ hội kinh tế bị bỏ lỡ, đặc biệt là trong dài hạn”, trong đó các tác động của đại dịch đối với giáo dục chưa được tính đến. Trong khi các quốc gia giàu có hơn đã chuyển hướng sang học từ xa trong thời gian phong toả, nhiều quốc gia đang phát triển không có sự lựa chọn đó.

Theo số liệu cập nhật tính đến ngày 27/8 trên trang Worldometers, thế giới đã có hơn 215,61 triệu người nhiễm COVID-19 và ít nhất 4,49 triệu người đã chết trong đại dịch.

Phân chia giàu nghèo

Thực tế, các quốc gia giàu có đang vượt xa về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID, thậm chí đang tiến tới việc tiêm mũi tăng cường, và mở cửa lại nền kinh tế, trong khi các quốc gia nghèo hơn đang tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng.

Tính đến ngày 23/8, khoảng 5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng chỉ có 15,02 triệu liều trong số đó là ở các nước thu nhập thấp, theo Our World in Data. Đến cuối tháng 8, ước tính khoảng 60% dân số của các nước thu nhập cao hơn đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỉ lệ này chỉ là 1% tại các nước thu nhập thấp hơn.

Báo cáo của EIU cho rằng sự bất bình đẳng về vaccine xuất hiện do sự thiếu hụt toàn cầu về năng lực sản xuất và nguyên liệu vaccine, những khó khăn về hậu cần trong việc vận chuyển và lưu trữ vaccine, cũng như vì những do dự bởi tâm lý e ngại đối với vaccine của một bộ phận người dân. 

Nhiều quốc gia đang phát triển cũng không đủ khả năng mua vaccine cho người dân nước mình và phải tìm nguồn tài trợ từ các nước giàu hơn, nhưng các sáng kiến ​​toàn cầu đã không thành công như kỳ vọng trong việc cung cấp vaccine cho những người cần chúng.

Bà Demarais nhận định có rất ít cơ hội để có thể cân bằng khả năng tiếp cận vaccine giữa các nước. COVAX, sáng kiến ​​do WHO khởi xướng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19, đã không đạt được kỳ vọng, dù chỉ đề ra mục tiêu ở mức khiêm tốn.

Thực tế, COVAX đặt mục tiêu phân phối khoảng 2 tỷ liều vaccine trong năm nay, nhưng cho đến nay mới chỉ chuyển được 217 triệu liều qua công cụ theo dõi của UNICEF. Các khoản quyên góp từ các nước giàu cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ yêu cầu tổng thể.

Tác động của bất bình đẳng

Theo nhận định của EIU, các nước nghèo hơn có khả năng phục hồi sau đại dịch chậm hơn, đặc biệt là nếu phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 do có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.

Đáng lo ngại, các đợt bất ổn xã hội có nguy cơ cao sẽ xảy ra trong những tháng năm tới. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, với khả năng miễn dịch cộng đồng có thể không đạt được do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao và khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn cung vaccine COVID-19, báo cáo cho biết.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc EIU khuyến nghị các nhà lãnh đạo chính trị giờ đây cần phải thiết kế một chiến lược dài hạn hơn, sau khi phải đối phó với các trường hợp khẩn cấp ngắn hạn như tốc độ lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CBNC)