Người dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc TTHCC TP. Huế, khó khăn nhất sau sáp nhập là vấn đề nhân sự và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm/quá hạn tăng
Anh Nguyễn Văn Trung (xã Phú Mậu, TP. Huế) sau khi hoàn thành giao dịch ở TTHCC TP. Huế, cho biết, anh đã nhận được hồ sơ điều chỉnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở như lịch hẹn. Theo anh Trung, hồ sơ của anh bị trễ hẹn lần trước. “Lúc đầu tôi gửi làm thủ tục tại TTHCC huyện Phú Vang, chưa đến lịch trả thì xã Phú Mậu được sáp nhập vào TP. Huế nên bị trễ lần trước hoàn toàn có lý”, anh Trung chia sẻ.
Theo thống kê của TTHCC TP. Huế, từ tháng 1/6/2021, trung bình đơn vị tiếp nhận và giải quyết 3.774 hồ sơ/tháng.
Riêng từ 1/7 đến 31/7/ 2021, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết 4.526, tăng 752 hồ sơ (tương đương 20%). Trong đó, số lượng hồ sơ giải quyết chậm/quá hạn trong tháng 7 là 388 hồ sơ (tỷ lệ 8,5%), cao hơn so với tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm/quá hạn trung bình của các tháng trước là 1%.
Người dân tham gia giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế
Nguyên nhân hồ sơ giải quyết chậm, quá hạn được chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Trung tâm giải thích, do đã tiếp nhận trước ngày 1/7/2021 tại TTHCC các huyện/thị xã có địa phương sáp nhập, phải mất thời gian chuyển giao giữa các đơn vị, nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai.
Về hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) cấp xã sau khi sáp nhập, bà Hoàng Thị Bích Ngọc cho biết thêm, dù đã chuẩn bị tâm thế, phương án ngay từ đầu, song quá trình triển khai thực hiện, bộ phận một cửa hiện đại các xã, phường được sáp nhập nói riêng và TTHCC TP. Huế nhìn chung vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Quy mô dân số chiếm 48% toàn tỉnh
Đối với các xã/phường mới sáp nhập, việc thực hiện công tác chuyển giao hồ sơ, dữ liệu quản lý nhà nước của các phòng/đơn vị chuyên môn vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận hồ sơ giữa UBND các huyện/thị xã với thành phố.
Quy trình giải quyết TTHC cho người dân có sự khác nhau giữa UBND các huyện/thị xã và UBND thành phố. Vì vậy, công tác xử lý đang trong quá trình thống nhất giữa các xã/phường mới sáp nhập với TTHCC và các phòng/đơn vị chuyên môn.
Mặt khác, cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa ở một số địa phương mới sáp nhập còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ, đảm bảo về quy chuẩn của bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả hiện đại theo đề án của UBND tỉnh đã ban hành, dẫn đến chưa đạt hiệu quả tối ưu trong việc giải quyết TTHC, nhất là sự liên thông giữa các cấp chính quyền.
Đối với TTHCC TP. Huế, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Bà Hoàng Thị Thị Bích Ngọc phân tích, căn cứ nội dung quy định tại Đề án 402 về thành lập TTHCC cấp huyện, thành phố, hiện có 1 giám đốc kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc và 5 công chức chuyên trách và bộ phận TN&TKQ. Trong khi đó, sau khi thực hiện mở rộng thành phố, TP. Huế được sáp nhập thêm 13 xã/phường, với quy mô dân số lên đến hơn 650.000 nghìn người, bằng 48% dân số của toàn tỉnh.
Từ thực tế cho thấy, số lượng giao dịch hồ sơ TTHC đã tăng lên trung bình 35%/ngày so với thời điểm trước sáp nhập. “Một tháng qua, để nỗ lực giải quyết TTHC cho người dân một cách tối ưu nhất, trung tâm đã phải linh hoạt, tăng cường cán bộ cho bộ phận TN&TKQ, nhưng về lâu dài sẽ rất khó để đáp ứng tốt được yêu cầu công, việc”, bà Ngọc cho biết.
Ngoài ra, với diện tích thực tế hiện nay tại trung tâm, trong nhiều thời điểm, số lượng công dân đến giao dịch đông xảy ra tình trạng thiếu chỗ ngồi chờ nên phần nào chưa đáp ứng tốt việc phục vụ người dân. Chưa kể, trung tâm đi vào hoạt động đến nay đã gần 5 năm, hệ thống các thiết bị máy móc như: máy lấy số tự động, máy scan đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Khuyến khích sử dụng dịch vụ trực tuyến
Mặc dù còn những khó khăn, tuy nhiên, bước đầu công tác quản lý, điều hành đã dần đi vào ổn định. Bên cạnh phát huy vai trò của người đứng đầu, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của của cán bộ, công chức về vai trò, ý nghĩa của việc mở rộng TP. Huế cũng được chú trọng.
“Nhằm kịp thời triển khai những nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã có sự phân công cụ thể đối với từng công việc, con người phụ trách. Đồng thời xác định rõ thứ tự triển khai công việc, thời gian hoàn thành công việc. Từ đó mỗi công chức của đơn vị tự xây dựng, phân bố thời gian để vừa tiếp tục làm công tác chuyên môn, vừa triển khai các nội dung được giao”, ông Ngô Thanh Hoa, Trưởng phòng Nội vụ TP. Huế cho biết.
Sau khi sáp nhập, Phòng Nội vụ cũng tiến hành khảo sát, nắm tình hình hoạt động của bộ phận một cửa, và hiện đang tổng hợp những ý kiến của các đơn vị mới sáp nhập để phối hợp kiến nghị với UBND thành phố bổ sung ngân sách, cấp các trang thiết bị, nâng cấp, mở rộng bộ phận một cửa phù hợp với từng đơn vị nhằm phục vụ hoạt động ngày càng tốt hơn.
Để giảm tải việc người dân trực tiếp đến TTHCC giải quyết các TTHC, công tác vận động khuyến khích người dân giao dịch hồ sơ TTHC bằng bưu chính công ích và sử dụng dịch vụ trực tuyến đang được Phòng Nội vụ, TTHCC TP. Huế áp dụng.
Bài, ảnh: TUẤN KHOA