Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Năm học 2020-2021 là năm học ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm học đầy khó khăn thách thức đối với ngành giáo dục khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Bộ Giáo dục và Đào đạo đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học linh hoạt phù hợp với thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước chống dịch bệnh hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022. Theo đó, các cơ sở giáo dục đào tạo trên toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình và kết thúc năm học 2020-2021 đúng theo kế hoạch. Công tác đổi mới giáo dục từ việc chọn sách giáo khoa và tổ chức dạy học, tập huấn bồi dưỡng giáo viên đảm bảo chương trình đổi mới phổ thông 2018. Dạy học linh hoạt bằng nhiều hình thức và có nhiều thành tích trên nhiều lĩnh vực. Học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế tăng về cả số lượng và chất lượng (đạt Huy chương Bạc châu Á - Thái Bình Dương và Huy chương Bạc Quốc tế bộ môn tin học). Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 đạt 98, 52%.
Đo thân nhiệt cho học sinh tại Trường THPT Nguyễn Huệ
Năm học 2021-2022, Thừa Thiên Huế chủ động tổ chức dạy học ngay từ đầu năm học nhưng sẽ chú ý các giải pháp an toàn trong điều kiện dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan y tế tổ chức khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra, soát xét cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... lên các phương án chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh và giáo viên trở lại trường; thực hiện việc chuẩn bị triển khai dạy học trên truyền hình; dạy online...
Tỉnh tiếp tục chú trọng quan tâm chương trình đổi mới phổ thông, chuẩn bị các điều kiện tiếp tục thực hiện sách giáo khoa mới với các khối 3, 7 và 10. Tổ chức rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch tỉnh và đảm bảo ổn định phát triển giáo dục trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung các nguồn lực để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư các hạng mục công trình nhà vệ sinh văn minh, hiện đại; xây dựng cảnh quan môi trường; hệ sinh thái giáo dục thông minh, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Thừa Thiên Huế kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT một số vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Đó là cơ chế tuyển dụng đặc thù áp dụng riêng cho ngành giáo dục để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của ngành và thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm... Quan tâm hỗ trợ đầu tư Trường THPT chuyên Quốc Học Huế theo hướng phát triển các môn năng khiếu ngoài các môn chuyên văn hóa. Hỗ trợ nguồn lực phát triển cơ sở vật chất trường lớp học cho các cơ sở giáo dục miền núi nhằm rút ngắn khoản cách chất lượng giữa các vùng. Hỗ trợ nguồn lực giúp tỉnh có điều kiện tiên phong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số) trong giáo dục hiệu quả. Tạo điều kiện giúp Thừa Thiên Huế trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư hình thành hệ thống Giáo dục chất lượng cao từ nguồn lực xã hội hoá, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục chất lượng cao cho người dân.
Tin, ảnh: Huế Thu