Mặc dù đã được trấn an từ phía Hiệu trưởng nhà trường – ông Nguyễn Hữu Bi – là dù thi tuyển hay xét tuyển thì mọi việc đều được thực hiện công khai, minh bạch và nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi của học sinh và nhà trường; đồng thời sẽ có thêm những giải pháp bổ sung như tư vấn; tính toán chỉ số phụ đề phân hoá chất lượng học sinh… nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là có hay không các yếu tố tiêu cực trong xếp loại ở bậc tiểu học; liệu có bỏ lọt học sinh xứng đáng và có khả năng vượt trội?

Mặc dù mọi người đều nhận thức đầy đủ rằng, việc xét tuyển học sinh vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương căn cứ vào quy chế tuyển sinh, vào thông tư và chỉ thị của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học và về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ở bậc học này, song những vấn đề thắc mắc từ phía dư luận nói chung và phụ huynh nói riêng đều hoàn toàn chính đáng.
Bên cạnh những băn khoăn, lo lắng này, điều mà chúng tôi muốn trao đổi ở đây là nếu phụ huynh cần quan tâm đến năng lực thực chất của con em mình thì nhà trường phải thực sự quan tâm, đầu tư năng lực thực chất của đội ngũ giáo viên đứng lớp. Học sinh không đủ khả năng khi vào trường sẽ đuối sức, thậm chí có tâm lý chán nản khi thua kém bạn bè. Và tất nhiên, nếu đội ngũ giáo viên không thật sự chín, không thật sự đầu tư và có trách nhiệm trong giảng dạy thì chắc chắn, sẽ không có những mùa quả tốt.
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến điều này vì trong cuộc họp phụ huynh vào sáng 25/1 vừa qua, theo thông báo của nhà trường thì có những con số rất đáng để cả phụ huynh lần nhà trường phải suy nghĩ khi qua bài kiểm tra chung ở các khối, đã phát hiện ra ra nhiều học sinh có kết quả rất thấp, trong đó, điểm thấp nhất của môn toán khối 6 là 3,8; Anh văn khối 6 là 4,5; tiếng Anh thí điểm 6 là 5,3; tiếng Việt khối 6 là 3,8; văn khối 7 là 1,8; đại khối 7 là 1,3; đại khối 8 là 1,8; hình khối 8 là 1; Anh văn thí điểm khối 8 là 3,3; lý khối 9 là 1,8; tiếng Anh khối 9 là 4,5; văn khối 9 là 2,8; đại khối 9 là 2,3 và hoá khối 9 là 1,3.
Cũng cần phải nói thêm về mặt kỹ thuật là vụ mùa nào cũng có thể có vài rủi ro, có quả rơi rụng. Song đối với những học sinh vốn là những hạt gạo trên sàng như thế này thì đây là con số đáng lo lắng. Áp lực của học sinh khi vào trường trọng điểm là không hề nhỏ và hơn lúc nào hết, phụ huynh cần đánh giá đúng khả năng của con em mình; đồng thời nhà trường cần rà soát và xốc lại đội ngũ cả về tinh thần và trách nhiệm, nếu không, sẽ gây nên một lãng phí từ nhiều phía trong đào tạo có chất lượng ở bậc THCS.
Nguyễn An Lê