Công nhân Nhà máy xi măng Long Thọ trong lần hạ giải  nhà máy vào tháng 4/2021. Ảnh: P.T

Nhà máy vôi Long Thọ ra đời vào năm 1896, do hãng xây dựng tư nhân Bogaert làm chủ nhằm giải quyết nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng và tái thiết thị xã Huế đương thời. Nhà máy đặt ở chân đồi Long Thọ trên bờ phải sông Hương giữa làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân.

Sở dĩ Bogaert chọn Long Thọ để xây dựng nhà máy chế biến vôi nước vì ở đây có những điều kiện thuận lợi mà nơi khác không có. Theo điều tra của sở mỏ, “đá vôi có nhiều ở phía Bắc Đông Dương, đồng bằng sông Hồng, có ít ở Trung Kỳ và Nam Bộ. Nhưng mỏ có chất đất sét nung lên cho vôi nước thiên nhiên hay là chất keo nước thì chỉ có một mỏ ở Long Thọ. Mỏ này thuộc làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên”

Năm 1902, Nhà máy vôi Long Thọ chính thức đi vào hoạt động, ngoài sản phẩm chính là vôi nước, còn sản xuất các loại vật liệu khác như gạch, ngói, blô, tấm lợp... Từng bước, Nhà máy vôi Long Thọ trở thành đơn vị kinh tế quan trọng ở miền Trung dưới thời Pháp thuộc.

Việc ra đời và phát triển Nhà máy vôi Long Thọ đã hình thành đội ngũ công nhân đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Đội ngũ đó ngày càng lớn mạnh, từng bước khẳng định vị trí, vai trò lịch sử của mình trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của đế quốc, thực dân.

Do điều kiện sản xuất phát triển, số lượng công nhân ngày càng tăng. Song với chế độ làm việc hà khắc đã đẩy cuộc sống của người công nhân đi đến chỗ cùng cực. Tình hình buộc công nhân Nhà máy vôi Long Thọ phải đoàn kết để đấu tranh chống lại giới chủ, đòi lại quyền lợi cho giai cấp mình. Hành động chống lại sự hành hạ công nhân của Cai Doãn có thể xem là hành động tự vệ mở đầu cho cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ chống lại sự đàn áp của giới chủ trong khoảng thời gian từ 1915-1926.

Những năm 1927-1929, phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế có bước phát triển. Sự xuất hiện các tổ chức Đảng ở Việt Nam cũng như ở Huế đã ảnh hưởng, tác động tích cực đến phong trào công nhân trong tỉnh. Tháng 7/1929, Tỉnh Đảng bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Tịnh làm Bí thư, để kịp thời lãnh đạo công nhân đấu tranh chống lại chính sách tàn bạo của thực dân Pháp, chủ trương lúc này là đưa đảng viên xuống cơ sở, thâm nhập vào quần chúng công nông. Tháng 10/1929, Chi bộ Nhà máy vôi Long Thọ được thành lập. Từ đây, các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ đặt dưới sự chỉ đạo của một tổ chức Đảng.

Giữa lúc phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ đang tiến triển thuận lợi, ngày 20/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Tịnh -Bí thư Tỉnh ủy bị địch bắt. Để tiếp tục duy trì phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân Huế, Hội nghị Tỉnh Đảng bộ đã thống nhất cử đồng chí Trần Mậu Thành làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ.

Sự giác ngộ của công nhân Nhà máy vôi Long Thọ qua các cuộc đấu tranh đã được tôi luyện, thử thách. Nhiều gia đình công nhân ở đây trở thành cơ sở cách mạng, nơi hội họp, làm việc của cơ quan Tỉnh ủy.

Ngay sau khi ra đời (2/1929), "Công hội đỏ" Nhà máy vôi Long Thọ  đã tổ chức một loạt các cuộc đấu tranh ở các phân xưởng với các nội dung đòi trả lương đúng hạn, không được bớt lương của công nhân... Những cuộc đấu tranh này giành thắng lợi, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng trong công nhân, nhờ đó số lượng hội viên "Công hội đỏ" không ngừng tăng. Uy tín của tổ chức Đảng được nâng cao. 

Trong những năm 1932-1935, do tình hình chung cả nước, phong trào đấu tranh của công nhân Long Thọ gặp không ít khó khăn, địch khủng bố dữ dội, Chi bộ Long Thọ mất liên lạc với cấp trên. Tuy vậy, hoạt động của Chi bộ vẫn được duy trì dưới nhiều hình thức sinh hoạt hiệu quả như thành lập các Hội "Tương tế", giúp đỡ lẫn nhau "Hiếu hỷ", "Lợp nhà"... Nhờ đó mà các đảng viên vẫn thường xuyên liên lạc, củng cố, giúp nhau giữ vững niềm tin đối với Đảng.

Bước vào thời kỳ 1936-1939, cùng với cả nước, các tổ chức Đảng được củng cố và phong trào đấu tranh của công nhân Huế tiếp tục sôi nổi với nhiều cuộc đấu tranh, bãi công của công nhân thợ máy, thợ giày... liên tiếp nổ ra khiến cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chớp thời cơ, công nhân Long Thọ đã tổ chức bãi công, đấu tranh đòi chia thóc, không để thóc rơi vào tay Nhật. Tháng 5/1945, Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế được thành lập, ngay sau đó tổ chức Việt Minh Nhà máy vôi Long Thọ cũng hình thành, gồm 12 thành viên do đồng chí Lê Thế Thọ lãnh đạo, tổ tự vệ của Nhà máy vôi Long Thọ do đồng chí Nguyễn Mạnh Hải phụ trách.

Sau sự kiện này, phong trào cách mạng của Nhà máy vôi Long Thọ hoạt động rất sôi nổi và gấp rút, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, điển hình là cuộc mít tinh quy mô lớn được tổ chức trước kho vôi vào ngày 20/8/1945. Trong cuộc mít tinh này, đồng chí Lê Thế Thọ thay mặt Việt Minh Nhà máy tuyên bố Nhà máy vôi Long Thọ đã thuộc về công nhân.

Có thể khẳng định, phong trào công nhân Nhà máy vôi Long Thọ qua các cuộc đấu tranh đã có tác động to lớn, ảnh hưởng tích cực đối với phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh, góp phần cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế thành công.

 Hải Văn