Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, nếu chúng ta không đổi mới về chuyển đổi số thì nguy cơ bị tụt hậu là rất cao
Cùng làm việc còn có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Tỉnh uỷ; Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh.
Bước vượt trội của công nghệ thông tin
Gợi mở vấn đề, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, nếu chúng ta không đổi mới về chuyển đổi số thì nguy cơ bị tụt hậu là rất cao. Chuyển đổi số là bước vượt trội của CNTT trong giai đoạn, thời điểm hiện nay.
Để triển khai thực hiện hiệu quả, cần bám sát Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị để cụ thể hoá các chuyên đề quan trọng mà Tỉnh uỷ đã ban hành. Mục tiêu cuối cùng là khi ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải thực hiện mang tính khả thi.
Theo đó, tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn đã giải trình, làm rõ thêm những mục tiêu, chỉ số để xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, tạo nền tảng để vận hành chính quyền số; xây dựng các dịch vụ cơ bản hình thành xã hội số và bước đầu đưa nền kinh tế số trở thành một trong các nguồn thu ngân sách ổn định và phát triển bền vững; chuyển đổi số trở thành phương thức đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Về phát triển chính quyền số, hiện tại có 40% cơ quan Nhà nước được triển khai hạ tầng trên nền tảng điện toán đám mây, được giám sát an toàn thông tin qua Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC); 25% cơ quan Nhà nước triển khai hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hình thành Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, hiện có 134 doanh nghiệp số và phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 300 doanh nghiệp số; 10.000 lao động trở lên phục vụ phát triển Khu CNTT tập trung của tỉnh. 90% doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
Hoạt động tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Liên quan đến phát triển xã hội số, hiện có 90% hộ gia đình trên toàn tỉnh đảm bảo khả năng kết nối mạng Internet, các dịch vụ thiết yếu qua dịch vụ đô thị thông minh và đến năm 2025 phấn đấu đạt 100%; 50% người dùng thiết bị di động thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. Hình thành nền tảng xã hội số; xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ nay đến năm 2025, chuyển đổi số trở thành phương thức đột phá trong xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm đặc sắc khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…
Mạnh mẽ hơn nữa
Nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp để chuyển đổi số trong thời gian tới cũng đã được các sở, ngành liên quan phân tích, làm rõ hơn tại buổi làm việc. Hầu hết các ý kiến xác định, chuyển đổi số làm đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức làm việc, nhất là người đứng đầu; tạo thói quen cho người dùng. Chúng ta đã bước qua giai đoạn nhận thức, nhưng phải mạnh mẽ hơn nữa, phải thay đổi tư duy người đứng đầu trong nền tảng chuyển đổi số.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng CNTT, trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Chuyển đổi số phải được thực hiện trên nền tảng của CNTT. Cần xây dựng thêm chỉ tiêu về doanh nghiệp số, hạ tầng số; từ các mục tiêu để đưa ra các giải pháp thực hiện, càng cụ thể càng tốt, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm.
“Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là nghị quyết công cụ để cụ thể hoá việc thực hiện 4 trung tâm lớn, đặc sắc mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá, rà soát, hệ thống hoá lại bộ mặt về kỹ thuật số của tỉnh. Qua đó, cân đối nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện. Giao trách nhiệm Văn phòng Tỉnh uỷ cùng làm việc thêm với Sở Thông tin và Truyền thông để hoàn chỉnh Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết chính là hệ thống chỉ tiêu cụ thể để giám sát việc thực hiện của các tổ chức Đảng và là cơ sở để chính quyền triển khai thực hiện trong chuyển đổi số; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ chỉ đạo.
Bài, ảnh: Anh Phong