Mùa hè, du khách thường chọn vịnh Lăng Cô để vui chơi, tắm biển và cũng không bỏ qua thăm thú ngắm cảnh ở đỉnh Hải Vân, nơi có Hải Vân Quan được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tiếc thay, “đệ nhất hùng quan” đang rơi vào cảnh phế tích.
Hải Vân Quan không còn uy nghi mà đã trở thành những khối gạch đá nham nhở, rêu phong đeo bám.
Vượt cung đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở sau gần 30 phút, tôi có mặt ở đỉnh Hải Vân. Đứng nơi đây, cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là khách khứa nhộn nhịp chủ yếu thăm ngắm di tích quốc gia - Hải Vân Quan. Hòa cùng du khách, tôi thả bộ theo lối bê tông nhỏ khoảng 50 bước chân từ đường nhựa đi lên. Hải Vân Quan - di tích này nằm hoang vắng um tùm cỏ dại, chỉ hiện hữu hai khối nhà cao rệu rã, rêu phong bám đầy. Anh bạn đi cùng cũng ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến Hải Vân Quan đã thốt lên: “Đệ nhất hùng quan đây ư?”. Tất cả chẳng còn gì ngoài khối gạch đá đen đủi đang có nguy cơ sụp đổ. Hải Vân Quan không còn uy nghi như sách báo đã ca ngợi. Thê thảm hơn khi qua lối chính vào bên trong nếu ghé mắt nhìn đều thấy một cảnh hỗn tạp nào cỏ rác, bao bịch và đồ xú uế...
Hải Vân Quan như tôi tìm hiểu đó là một công trình kiến trúc được xây dựng từ đời Nhà Trần và được trùng tu vào thời Nhà Nguyễn dưới triều Tự Đức. Công trình có hình khối đứng vững chải, cổng hình vòm theo chiều bắc - nam. Phía bắc cổng đề chữ “Hải Vân Quan”, phía nam cổng là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhưng theo thời gian và hậu quả chiến tranh đã đưa công trình rơi vào cảnh hoang phế. Một di tích quốc gia, một điểm đến du lịch không thể thiếu ở khu vực miền Trung nhưng bây giờ đã để lại nhiều tiếc nuối cho bao du khách.
Chúng tôi mong rằng, những người có trách nhiệm; đặc biệt các ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng sớm tìm được tiếng nói chung đưa ra phương án trùng tu khôi phục thắng cảnh này một cách hoàn chỉnh, xứng tầm vị thế của Hải Vân Quan- một di tích cấp quốc gia.
Khánh Quan