Phòng nuôi cấy mô sản xuất giống cây tràm do Công ty Lâm trường Tiền Phong chuyển giao cho các địa phương tham gia dự án trồng rừng
Cây nấm cho niềm vui
Hơn 10 năm trước, những người dân vùng ven đô ngoài cây lúa ai cũng mong muốn đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tiềm năng đất đai địa phương nào cũng có nhưng thời tiết, khí hậu thất thường nên chuyện đầu tư nuôi cây, con gì hiệu quả là bài toán chưa có lời giải.
Rất khó quên trong ký ức của cán bộ, người dân vùng khu 3 huyện Phú Lộc khi hân hoan tiếp nhận dự án (DA) ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể trong sản xuất nấm sò, nấm mộc nhĩ và linh chi, thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển Nấm - Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh (Trung tâm) bắt tay chỉ việc vào năm 2018.
Khi tiếp cận dự án, người dân ở đây được cán bộ trung tâm đầu tư mua sắm thiết bị, nguyên liệu, đào tạo cán bộ kỹ thuật tại chỗ để hình thành khu sản xuất giống nấm hoàn thiện, chất lượng giúp bà con tiếp cận kỹ thuật trồng. Ban đầu cũng có nhiều lúng túng, nhưng DA thực sự như làn gió mới thổi qua làng. Người dân đã vận dụng kiến thức được truyền đạt gom phụ phẩm từ nông nghiệp rơm rạ, mùn cưa... tiến hành trồng nấm với phương cách khó đâu gỡ đó.
Ông Hoàng Văn Thơ, người tiếp cận DA (Vinh Mỹ, Phú Lộc) bày tỏ, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật làm giống nấm linh chi theo quy trình khép kín ông mạnh dạn đầu tư hạ tầng, nhà xưởng gần 500 triệu đồng để nuôi trồng. Qua ba tháng đầu đã hái trên 3 nghìn bịch đạt 70kg, mỗi kg giá 800 nghìn đồng. Trừ mọi chi phí, gia đình có nguồn thu đáng kể. Phấn khởi hơn, từ nông dân giờ ông Thơ thành một "chuyên gia" trồng nấm chuyên nghiệp, nhất là trồng nấm linh chi-loại dược liệu thị trường ưa chuộng, giúp đỡ những hộ khác làm theo.
Quy trình sản xuất giống nấm dạng dịch thể của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh đã chuyển giao cho người tiếp cận dự án
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Trung tâm chia sẻ, không chỉ bà con ở Phú Lộc, khi DA về với người dân ở 6 huyện, thị (Phú Vang, Hương Thủy, Quảng Điền, A Lưới...), ngoài các hộ được chọn điểm thực hiện còn nhân rộng cho người dân lân cận học tập làm theo. Đến nay, có hơn 300 hộ dân sản xuất nấm theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là mô hình giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập kinh tế gia đình; đồng thời giải bài toán môi trường khi sau mỗi vụ nấm người dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất bả thải để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Phú Lương, Phú Vang) đánh giá cao DA ngay từ năm đầu tiếp cận, bởi qua thời gian theo dõi, ông thấy giống nấm thành phẩm được nhân chuyển từ giống dịch thể không bị tác động yếu tố ngoại cảnh, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh. Gia đình ông Hiếu trồng 15 nghìn túi nấm sò, năng suất đạt 350-400kg/1nghìn bịch/vụ, giá bán từ 20-25nghìn đồng/kg, bình quân mỗi năm gia đình ông thu vào hơn 150 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Đồng hành với dân
Mấy năm nay, việc ứng dụng đưa tiến bộ khoa học về cơ sở của các cấp ngành đơn vị chức năng tổ chức thường xuyên và không dừng ở một lĩnh vực nhất định. Các đề tài, chương trình, dự án khoa học tập trung đầu tư hỗ trợ rất đời thường, là những vấn đề đặt ra trong sản xuất, như mô hình trồng rau theo hướng Vietgap, nuôi thủy sản không ô nhiễm môi trường nước, nuôi gia súc gia cầm sạch; hỗ trợ kỹ thuật máy móc cho các đơn vị, HTX sản xuất thương mại dịch vụ, sản phẩm làng nghề, gò hàn cơ khí giảm tiếng ồn khói bụi ở địa phương.
Tính riêng Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN, mỗi năm được Sở KHCN giao thực hiện từ 10-12 nhiệm vụ chuyển giao hỗ trợ cho nông thôn, miền núi áp dụng nâng cao giá trị chất lượng trong sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa vùng thành thị với nông thôn.
Không bó hẹp trong ngành KHCN, các trường cao đẳng, đại học, Sở Công thương... cũng đồng hành giúp người dân tiếp cận những tiến bộ khoa học vào từng mô hình sản xuất, kinh doanh. Bằng những cách làm khác nhau, có thể cùng tiếp sức xây dựng trình diễn kỹ thuật công nghệ mới, có thể hỗ trợ DA khuyến công đổi mới dây chuyền sản xuất và có thể kết hợp đào tạo nghề..., giúp cho các gia đình, đơn vị, HTX nông thôn giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh thị trường.
Mới đây, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 2 đề án đầu tư máy đóng gói trà túi lọc cho Công ty TNHH trà vả Lộc Mai ở thị trấn Phú Lộc và đào tạo nghề may công nghiệp cho Công ty TNHH Gia Huynh ở xã Lộc Điền (Phú Lộc). Đây là 2 đề án có kinh phí hỗ trợ không nhiều, chỉ gần 150 triệu đồng nhưng tạo vốn mồi giúp các đơn vị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, DN chỉ có sản phẩm trà vả dạng thô nên rất khó cạnh tranh với các thương hiệu trà nổi tiếng khác. "Khi được tiếp sức, DN đầu tư 250 triệu đồng trang bị máy đóng gói công suất 1.200 túi lọc/giờ và cho ra đời sản phẩm trà túi lọc. Hiện, thị trường phân phối đã mở rộng tại nhiều tỉnh, thành, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang…" - Giám đốc Công ty TNHH trà vả Lộc Mai, Mai Quốc Bảo chia sẻ.
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN, khái niệm đưa KHCN về làng hiện không còn lạ. Nó đã hình thành phương châm đầy hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu khoa học, ban ngành, đơn vị chức năng hướng đến để chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHCN nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng trên các lĩnh vực ở nông thôn. Đây là mục tiêu không riêng của ngành KHCN luôn mong đóng góp nhiều hơn vào chỉ số tăng trưởng ở địa phương thông qua đầu tư phát triển nguồn lực khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, khai thác tiềm năng lợi thế ở địa phương một cách chất lượng...
Bài, ảnh: Song Minh