Hội LHPN tỉnh trang bị kỹ năng cho thí sinh tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội LHPN Việt Nam sắp tới (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Đạt giải nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức, đã tiếp thêm sức cho chị Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Phong An, huyện Phong Điền) tự tin tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của UBND tỉnh và đoạt giải 3.
Tháng 7 vừa qua, chị Hiền là một trong 2 chủ dự án gọi vốn thành công tại chương trình gọi vốn cho doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hue – Pitching 2021 do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức, với số vốn 1 tỷ đồng.
Hiện, chị Hiền đang chuẩn bị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sẽ được tổ chức tháng 10 tới.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền với sản phẩm hoa atiso đỏ
Chị Hiền chia sẻ, các cuộc thi là “bệ phóng”, giúp những người phụ nữ đam mê khởi nghiệp như tôi có thêm cơ hội để học hỏi kinh nghiệm và kết nối kêu gọi đầu tư. Từ các vòng loại tôi đã được Hội LHPN tỉnh mời các chuyên gia tập huấn trang bị các kỹ năng về thể hiện cấu trúc bài thuyết trình, cách phân tích những vấn đề khách hàng đang gặp phải, giải quyết các vấn đề của khách hàng, phương pháp cạnh tranh để vượt lên đối thủ, cách thu hút và mở rộng khách hàng, cách trình bày slide, nên tôi đã tự tin khi tham gia các cuộc thi lớn hơn.
Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, khi “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” ra đời, Hội LHPN tỉnh đã tiếp cận nhanh. Đến nay, đã tổ chức 12 diễn đàn, 1.394 cuộc tập huấn, truyền thông, nói chuyện về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đặc biệt là tổ chức được hai cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” thu hút 106 đề án/ý tưởng tham gia. Nhiều thí sinh bước ra từ cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức đạt nhiều giải cao khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp cấp cao hơn.
Thí sinh của Huế (trái) tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Tuy nhiên, theo chị Thanh, cái được và tạo nên điểm nhấn ở đây không chỉ là những con số, những giải thưởng mà vài cá nhân đạt được. Ý nghĩa hơn là hội phụ nữ tỉnh đã tạo được nền móng ban đầu, thay đổi được tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho chị em phụ nữ. Các chị đã và đang dần vượt qua được kiểu tư duy manh mún, mạnh ai nấy làm. Dần tiếp cận được lối tư duy, muốn nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau.
Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho biết, cách đây 3 năm, khi Hội LHPN tỉnh phát động mỗi huyện, thị, thành phố thành lập được ít nhất một tổ hợp tác hoặc tổ liên kết sản xuất, làm nền tảng tiến tới thành lập HTX do phụ nữ làm chủ, tại lễ ký kết thi đua, chị thực sự lo lắng. Bởi, hội viên A Lưới đa phần là phụ nữ dân tộc thiểu số, quen với lối canh tác manh mún, truyền thống, trình độ tiếp nhận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thấp. Song khi hiểu được sự cần thiết phải tạo sự liên kết trong phát triển kinh tế, Hội LHPN cùng vận động chị em thực hiện.
Sau nhiều trăn trở, các chị đã nảy ra ý tưởng tận dụng thế mạnh riêng của địa phương là nông sản, đặc sản vùng núi. Các chị phân công nhau tìm đến từng hộ có khả năng đáp ứng được yêu cầu, kiên trì phân tích cái hay, cái lợi để xây dựng được tổ liên kết sản xuất nông sản, đặc sản an toàn ban đầu. Rồi nỗ lực kết nối nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí từ các chuyên gia, các dự án để nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường vào hệ thống siêu thị…
Hội đủ điều kiện, Hội LHPN A Lưới tự tin phát triển các tổ hợp tác thành 2 HTX là “Nông sản sạch, an toàn” và “Sản xuất và kinh doanh nấm, ổi hữu cơ”, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. “Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để ổn định và mở rộng sản xuất, thử thách, khó khăn vẫn đang trước mắt, song chị em chúng tôi vẫn xem đó là động lực để từng bước vượt qua”, chị Tường tin tưởng.
Bài, ảnh: Hải Thuận