Bên cạnh những giờ chế tác kim hoàn, nhạc sĩ Văn Đen còn sáng tác nhạc phong trào
Vốn là một chủ tiệm kim hoàn, công việc của anh Nguyễn Văn Đen xoay quanh những thứ trang sức lấp lánh, tiếng búa lục đục, tiếng mài kim loại ken két. Tuy nhiên, trong căn nhà số 47 đường Mai Thúc Loan, phường Đông Ba (TP. Huế) của anh lại thường xuyên tràn ngập tiếng đàn, tiếng hát. Nhiều người đi đường đôi lúc đã dừng lại, để lắng nghe thứ âm nhạc mộc mạc, gần gũi và sâu lắng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đen. “Ngoài những giờ làm việc, tôi lại sống trong niềm đam mê với âm nhạc và công việc sáng tác. Vừa là sự thư giãn trong tâm hồn và đôi khi có nguồn năng lực tích cực để sáng tạo ra những mẫu mã trang sức lạ mắt phục vụ khách hàng, nhạc sĩ Văn Đen phấn khởi.
Hành trình viết nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đen bắt đầu từ năm 2008, với tác phẩm đầu tay “Bài ca cảnh sát khu vực” viết về những người cảnh sát khu vực ngày đêm gìn giữ trật tự cho xã hội. Những ngày ấy, anh tham gia rất nhiều những phong trào tại địa phương và có dịp thân quen với những cán bộ, chiến sĩ công an tại phường Thuận Thành. “Lúc đó tôi chưa biết gì về nhạc lý cả, chỉ hay hát mỗi bận tham gia phong trào. Các anh công an thấy tôi thích âm nhạc nên ủng hộ tôi tham gia phong trào sáng tác nhân dịp phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhờ có những ngày đồng hành cùng các anh, tôi hiểu thêm về công việc của các anh nhiều hơn và đó là cảm hứng cho sáng tác đầu tay của tôi”, nhạc sĩ Văn Đen bộc bạch. Ca khúc đầu tay ấy nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng của rất nhiều người. Đó cũng chính là động lực để Văn Đen tiếp tục đam mê của mình.
Những ngày đầu chập chững viết nhạc, anh tự mày mò, tìm tòi học hỏi cách gieo vần, điệu, các nốt cao, thấp, sử dụng câu từ sao cho bài hát có thể truyền tải được thông điệp của anh đến với người nghe. “Ban đầu tôi loay hoay với bản nhạc, nốt nhạc, chẳng biết phải làm sao để bài hát của mình thật truyền cảm, không bị chói tai. Sau đó, tôi may mắn biết được nghệ sĩ Vĩnh Phúc lúc đó đang dạy tại Trường đại học Nghệ thuật Huế. Theo học thầy 3 tháng, ngày tất bật với tiệm kim hoàn, đêm lại ngân nga theo điệu nhạc, tôi củng cố kiến thức về nhạc lý, cải thiện câu từ trong bài hát để bắt tai người nghe hơn”, Văn Đen chia sẻ. Dần dần, anh cũng có những thành công nhất định trên con đường sáng tác. Năm 2016, anh được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau những năm tháng cống hiến hết mình để tuyên truyền, hưởng ứng những phong trào bằng lời ca, tiếng hát.
Một số sáng tác của anh đã trở nên quen thuộc khi đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác và thường được sử dụng để tuyên truyền cho các phong trào, như: “Tự hào giai cấp công nhân”, “Lặng lẽ sáng vì dân”, “Vì một môi trường xanh, sạch, sáng”, “Hành khúc bảo vệ tổ dân phố TP. Huế”… Đặc biệt, bài hát “Việt Nam đất nước con người” của anh đã từng được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp 45 năm ngày thống nhất đất nước. Đề tài mà anh hướng tới luôn là sức trẻ, nét đẹp và những việc làm thiết thực của người lao động, tình yêu quê hương đất nước qua góc nhìn của tuổi trẻ.
“Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đen là một người năng nổ, vui vẻ trong các hoạt động phong trào và rất nổi bật trong những sáng tác của mình. Những bài hát của anh luôn làm lay động trái tim người nghe, và đưa phong trào đến gần hơn với quần chúng nhân dân”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cho biết.
Từ lâu, những phong trào được phát động trên địa bàn tỉnh đã được Văn Đen “thổi hồn” bằng những giai điệu ấm áp, đi vào trái tim người nghe. “Mỗi năm tôi viết khoảng 10 bài hát về những phong trào trên địa bàn tỉnh. Điều quan trọng nhất khi viết các ca khúc về các phong trào phải lựa chọn ca từ phù hợp, dễ tiếp thu. Nếu quá khuôn mẫu, hình thức, bài hát trở thành một chuỗi khẩu hiệu khô cứng, khó tiếp cận người lao động, Văn Đen cho hay.
Nhắc tới biệt danh “người viết nhạc phong trào” của mình, Văn Đen bật cười: “Tôi chỉ mong muốn dùng âm nhạc để phong trào có tính lan tỏa với cộng đồng nhiều hơn. Đó là lý do mà tôi vẫn thường viết nhạc để ủng hộ các phong trào, từ chủ nhật xanh, làm căn cước công dân, vận động người dân đi bầu cử hay các phong trào của công nhân lao động. Được mọi người gọi như thế, thật lòng cũng thấy vui, vì những sáng tác của mình được nhiều người đón nhận”.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH