Đợt dịch thứ tư bùng phát, diễn biến càng ngày càng phức tạp và khốc liệt. Làn sóng người rời TP. Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh phía nam về quê mỗi lúc một nhiều với đủ loại phương tiện. Để giảm tải cho TP. HCM và cũng để dễ kiểm soát tình hình, Thừa Thiên Huế cùng nhiều tỉnh thành khác đã tổ chức đưa người dân của mình về địa phương, thực hiện cách ly theo quy định trước khi trả về cộng đồng. Các điểm cách ly tập trung hầu như đầy hết.

Theo quy định, thời gian cách ly tập trung sẽ kéo dài trong thời gian 14 ngày, sau đó tiếp tục về cách ly tại nhà thêm 1 tuần nữa. Hai tuần, mười bốn ngày, nghe nhẹ hều. Nhưng nếu bạn thực sự đặt mình trong trường hợp đó, cứ đi vào đi ra trong cùng khuôn viên đó, với khẩu trang, với khoảng cách… sẽ thấy chán ngán, thừa thãi và vô vị đến nhường nào. Phải làm gì cho hết ngày hẳn là điều mà ai cũng quan tâm. Và trong cái bối cảnh như thế, tôi nhận được cú phone từ anh Hồ Vĩnh - một nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Với chất giọng nhỏ nhẹ như thường lệ, Hồ Vĩnh ngỏ ý nhờ Quỹ Sen xanh của cơ quan Báo Thừa Thiên Huế chuyển tặng 100 bản sách đến các khu cách ly. Đề nghị của anh khiến tôi bất ngờ đến thú vị. Để ủng hộ người dân TP. HCM chống dịch, ủng hộ bà con trong các khu cách ly, riêng cơ quan chúng tôi đã phát động và đã tiếp nhận, chuyển đến các điểm cần trợ giúp hàng chục tấn hàng từ hiện vật, hiện kim do người dân, các nhà hảo tâm khắp nơi gửi về ủng hộ. Nhưng ủng hộ sách như anh Hồ Vĩnh thì đúng là trường hợp đầu tiên và chúng tôi cũng chưa từng nghĩ đến. Giá trị vật chất của 100 bản sách có thể không lớn, nhưng ý tưởng và giá trị tinh thần thì quả thật rất đáng trân trọng mà có lẽ chỉ những người làm văn hóa, những người gần như cả đời gắn bó với sách vở như anh mới nghĩ ra giữa tình cảnh nước sôi lửa bỏng, khi mà cái ăn, cái uống và những điều kiện sinh hoạt thiết yếu khác cho người dân trong khu cách ly vốn dĩ choán hết tâm trí của những người, những cơ quan có trách nhiệm.

Những bản sách sẽ giúp bà con có thêm chọn lựa để “rút ngắn” thời gian 14 ngày đằng đẵng bất đắc dĩ trong khu cách ly. Có thể nó sẽ giúp một số người tận hưởng niềm đam mê đọc sách mà những ngày bình thường nỗi lo cơm áo gạo tiền đã lấy mất của họ; hay khơi gợi, truyền cảm hứng cho những người vốn dĩ vẫn “xa lạ, ngại ngần” với sách vở, để sau thời gian cách ly họ sẽ quen rồi thích văn hóa đọc. Lại nữa, từ những bản sách kia, sẽ có những bản sách giúp người đọc biết và hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Huế, để mà yêu, mà tự hào, mà cùng chung tay vun đắp, gìn giữ vẻ đẹp của núi Ngự sông Hương. Đó chính là giá trị vượt lên giá trị vật chất của 100 bản sách mà anh Hồ Vĩnh ủng hộ. Cũng chính vì thế mà ngay sau khi tiếp nhận, Quỹ Sen xanh của báo đã lập tức chuyển  sách đến những nơi cần đến. Và sau Hồ Vĩnh, nhà báo Thanh Tùng, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Báo Tiền Phong khu vực miền Trung cũng kết nối để gửi sách tặng các khu cách ly.

HUY KHÁNH