4,1 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với an sinh xã hội. Ảnh: Europa.eu
Theo báo cáo mới vừa được công bố ngày 1/9 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bất chấp sự mở rộng chưa từng có trên toàn thế giới về các chính sách xã hội trong đại dịch COVID-19 khi chi tiêu của các chính phủ đã được đẩy lên khoảng 30%, hơn 4 tỷ người trên thế giới hiện vẫn hoàn toàn không được bảo vệ bởi bất kỳ một chế độ an sinh xã hội nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng do COVID-19.
An sinh xã hội là một quyền của con người nhằm đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thu nhập cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, hơn một nửa dân số toàn cầu không được tiếp cận với hệ thống này.
Báo cáo của ILO chỉ ra rằng, các phản ứng với đại dịch là không đồng đều và không đầy đủ, làm gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia có mức thu nhập cao và thấp, đồng thời không đủ khả năng đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cần thiết mà tất cả mọi người dân xứng đáng được hưởng.
Theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, các quốc gia cần mở rộng mạng lưới an sinh xã hội rộng rãi hơn, như vậy sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có khả năng ứng phó với những thách thức mới trong tương lai.
Chúng ta phải nhận ra rằng an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và công việc tử tế mà còn để tạo ra một tương lai dễ phục hồi và bền vững.
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder
Hiện tại, chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo hiểm một cách hiệu quả bởi ít nhất một quyền lợi an sinh xã hội, trong khi 4,1 tỷ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia mà họ đang sinh sống.
Nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng
Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng trên toàn thế giới, phần lớn trẻ em vẫn chưa được bao phủ an sinh xã hội hiệu quả khi chỉ hơn ¼ số trẻ (26,4%) được hưởng bảo trợ xã hội. Trong khi đó, chỉ 45% phụ nữ mới sinh con trên thế giới nhận được quyền lợi thai sản bằng tiền mặt. Chỉ một trong ba người khuyết tật nặng (33,5%) trên toàn thế giới nhận được trợ cấp khuyết tật. Mức độ bao phủ của trợ cấp thất nghiệp thậm chí còn thấp hơn: chỉ có 18,6% lao động thất nghiệp trên toàn cầu.
Về phúc lợi hưu trí, ILO nhận thấy mặc dù cứ 10 người trên tuổi nghỉ hưu thì có gần 8 người (77,5%) nhận được một số hình thức hưu trí, nhưng sự chênh lệch lớn vẫn tồn tại giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, giữa phụ nữ và nam giới.
Mất cân bằng khu vực
Báo cáo của ILO nhấn mạnh sự bất bình đẳng đáng kể giữa các khu vực trong vấn đề an sinh xã hội.
Châu Âu và Trung Á có tỷ lệ bao phủ cao nhất, với 84% người dân được hưởng ít nhất một quyền lợi bảo hiểm.
Tỷ lệ bao phủ an sinh xã hội ở các nước châu Mỹ cũng cao hơn mức trung bình toàn cầu với 64,3%, trái ngược với việc triển khai phúc lợi xã hội ở châu Phi – khu vực có tỷ lệ thấp nhất thế giới, chỉ 17,4%, kế đến là ở các quốc gia Ả Rập (40%) và ở châu Á-Thái Bình Dương (44%).
Chi tiêu của chính phủ cho an sinh xã hội cũng thay đổi đáng kể. Trung bình, các nước chi 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo trợ xã hội (không bao gồm y tế), tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể trong chi tiêu của các chính phủ khi các nước thu nhập cao chi 16,4% GDP cho an sinh xã hội thì con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 1,1% GDP.
An sinh xã hội mang lại nhiều lợi ích
Cơ quan của LHQ lưu ý rằng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các chính phủ phải tăng chi tiêu ồ ạt để đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu cho tất cả người dân, với mức tăng khoảng 30%.
Và để đảm bảo mức bao phủ bảo trợ xã hội cơ bản, các nước thu nhập thấp sẽ cần đầu tư thêm 77,9 tỷ USD mỗi năm, các nước thu nhập trung bình thấp cần thêm 362,9 tỷ USD/năm và các nước thu nhập trung bình cao là hơn 750,8 tỷ USD/năm, tương ứng với 15,9%, 5,1% và 3,1% GDP của mỗi nhóm nước.
Theo bà Shahra Razavi, Vụ trưởng Vụ An sinh Xã hội của ILO, có một động lực to lớn thúc đẩy các quốc gia tiến tới củng cố tài khóa, sau khi giành ra khoản chi tiêu công lớn cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng của họ, nhưng việc cắt giảm bảo trợ xã hội sẽ gây tổn hại nghiêm trọng.
Nhấn mạnh những lợi ích của việc bảo vệ phúc lợi xã hội, bà Razavi khẳng định “an sinh xã hội là một công cụ quan trọng có thể tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội trên diện rộng cho các quốc gia ở mọi trình độ phát triển. Nó có thể tạo nền tảng cho y tế và giáo dục tốt hơn, bình đẳng hơn, hệ thống kinh tế bền vững hơn, di cư được quản lý tốt hơn và tuân thủ các quyền cốt lõi”. Bà Razavi cũng cho rằng để xây dựng các hệ thống an sinh có thể mang lại những kết quả tích cực như kỳ vọng sẽ đòi hỏi sự kết hợp của các nguồn tài chính và sự đoàn kết quốc tế nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ cho các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, lợi ích của việc triển khai thành công hệ thống an sinh xã hội sẽ vượt ra ngoài biên giới quốc gia để tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN & ILO)