Giao diện bảo tàng số của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Nhiều tùy biến, thông tin đa dạng
Ngày lễ Quốc khánh, trong bối cảnh dịch bệnh phải ở nhà, Lê Nguyễn Bình Viên (TP. Huế) lên mạng, vào trang web của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tham quan bảo tàng 3D thay vì ghé thăm bảo tàng vào dịp lễ này như các năm trước.
Thông qua ảnh chụp 360 độ sinh động, rõ nét cùng lời giới thiệu của thuyết minh viên, Bình Viên được tìm hiểu chi tiết về không gian trưng bày theo các chủ đề tại bảo tàng, cùng hệ thống di tích lưu niệm những năm tháng niên thiếu của Bác Hồ và gia đình tại Huế, như: Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan, các di tích ở làng Dương Nổ, Trường Quốc Học Huế…
Lê Nguyễn Bình Viên chia sẻ: “Chỉ cần ở nhà, click chuột là có thể tham quan được toàn bộ không gian trưng bày của bảo tàng và các di tích. So với tham quan thực tế, người xem còn được nghe thuyết minh viên giới thiệu rất chi tiết. Với em, tham quan bảo tàng trực tuyến là trải nghiệm mới rất thú vị, giúp cho thế hệ trẻ chúng em được tiếp cận, tìm tòi, học hỏi lịch sử nhanh chóng hơn”.
Triển lãm mỹ thuật “Bác Hồ - Kết tinh hồn dân tộc” là một sự kiện chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh nhưng do trong thời điểm phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, công chúng không thể đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tham quan. Thay vào đó, mọi người có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn 48 tác phẩm nghệ thuật thông qua hình thức giới thiệu trực tuyến trên Facebook Bảo tàng Hồ Chí Minh Huế, cảm nhận những tình cảm chân thực, sâu sắc của các nghệ sĩ tạo hình Huế dành cho vị lãnh tụ dân tộc.
Hình ảnh được chụp 360 độ sắc nét
Với sự hỗ trợ từ Câu lạc bộ Kiến trúc 3D, các tác phẩm được chuyển đổi số theo hình thức ảnh 360 độ. Một số triển lãm chuyên đề cũng được Bảo tàng Hồ Chí Minh bổ sung hình thức trưng bày trực tuyến, như triển lãm “Người đi tìm hình của nước”.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học – Đại học Huế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc 3D, ưu điểm của công nghệ 3D nhiều tùy biến cũng như dữ liệu thông tin đa dạng, gợi mở và kích thích người xem tìm hiểu. Việc lan tỏa, chia sẻ cũng rộng hơn trên các nền tảng mạng xã hội. Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, thực hiện triển lãm số sẽ phát huy hiệu quả trong quảng bá. Ngoài ra, có thể tiết kiệm chi phí vì có thể lưu trữ lại các dữ liệu để tập hợp và tiếp tục sử dụng cho các mục đích khác.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Cuối năm 2019, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hỗ trợ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xây dựng bảo tàng số trên website: http://baotanghcmtthue.hochiminh.vn gồm: giới thiệu nhà trưng bày bảo tàng, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Chỉ cần ngồi ở nhà, người xem vẫn có thể tham quan chi tiết từ kiến trúc di tích đến các không gian trưng bày, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng và các di tích.
Không gian trưng bày được giới thiệu sinh động qua giọng nói của thuyết minh viên
Tích hợp công nghệ tham quan trực tuyến 3D, tăng cường hình thức triển lãm online tại website của bảo tàng và quảng bá trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, fanpage chính là những bước tiến quan trọng của việc ứng dụng công nghệ nhằm đa dạng hình thức tiếp cận của công chúng. Đây là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho hay: “Trong bối cảnh dịch bệnh phải đóng cửa, chúng tôi xác định đây là giai đoạn phát triển chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh các ứng dụng của khoa học công nghệ vào trưng bày bảo tàng online để mọi người vẫn được tiếp cận. Ngoài trưng bày cố định và hệ thống di tích đã được xây dựng trước đó, các triển lãm chuyên đề cũng được bảo tàng số hóa, dựng thành triển lãm 3D trên mạng để các tầng lớp Nhân dân có cơ hội tiếp cận, giống như đến tham quan bảo tàng thật”.
Quản lý khoảng 20 di tích, địa điểm di tích cùng hơn 18.000 tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bên cạnh đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh số hóa dữ liệu, hiện vật, từng bước thay đổi cách thức quản lý truyền thống. Giai đoạn 2018 – 2020, đơn vị đã thực hiện số hóa được 4.600 hình ảnh, tư liệu, tài liệu nghiên cứu trưng bày, lập hộ chiếu hơn 2.000 hiện vật và cập nhật phần mềm quản lý cho hơn 1.000 hiện vật. Theo kế hoạch số hóa và chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, bảo tàng sẽ bổ sung thêm thông tin, hình ảnh về các tư liệu, hiện vật và những câu chuyện đi kèm để người xem có thể ứng dụng nhiều tiện ích hơn khi tiếp cận bảo tàng ảo.
Bài, ảnh: Minh Hiền