Báo Pasaxon, Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân cách mạng Lào dành gần như toàn bộ trang báo để đăng tải bài viết về 76 năm quốc khánh Việt Nam
Bài báo nêu rõ: cách đây 76 năm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành động lực to lớn cho dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Dù 76 năm trôi qua, nhưng những lời trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội vào mùa Thu năm 1945 vẫn còn vang vọng khắp thế giới và thấm sâu vào trái tim của mỗi người Việt Nam. Trong ngày Quốc khánh - Ngày lễ độc lập, mọi người dân Việt Nam đều luôn tự hào về thành quả cách mạng của mình.
Bài báo nêu rõ tiếp nối tư tưởng, chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện đường lối đổi mới, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không chỉ giữ vững nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà Việt Nam còn thu hút được các nguồn lực để phát triển, nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 quốc gia.
Bài viết cũng dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, khẳng định trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn và những bất ổn trong khu vực, Việt Nam tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với các nước, đặc biệt là việc phát triển mối quan hệ thường xuyên của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực.
Có thể nói, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 có nhiều điểm nổi bật, là minh chứng cho sự thành công của kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn, khó lường của kinh tế thế giới và khu vực.
Năm 2019, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,02% - là năm thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2011. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong hội nhập kinh tế toàn cầu thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA)... đó là những động lực lớn để phát triển. Điều này cho thấy, EVFTA và EVIPA đã đặt nền móng quan trọng nhất cho Việt Nam.
Vị thế của Việt Nam được ghi nhận rõ nét trên trường quốc tế và Việt Nam là một trong những nước có đóng góp to lớn và có trách nhiệm đối với sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng chuyển sang thương mại tự do và thuận tiện.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu của Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Những kết quả này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu của khu vực.
Trải qua một thời kỳ đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã có vị thế, vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, đồng thời góp phần vào việc phát triển và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như góp phần xây dựng hòa bình trong khu vực và thế giới. Đây cũng là sự ghi nhận, đánh giá cao nhất từ các nước dành cho Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với việc đảm nhiệm thành công tốt đẹp vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia trên thế giới, tác động trực tiếp đến các chương trình, kế hoạch của ASEAN, một lần nữa, Việt Nam lại thể hiện khả năng linh hoạt, kết nối ASEAN để cùng đối phó với dịch bệnh.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã đánh giá rằng Việt Nam đã thể hiện tầm dẫn dắt ASEAN trong việc đi đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại khu vực. ASEAN đã đoàn kết và ứng phó sớm với dịch bệnh, thúc đẩy các quốc gia thành viên tổ chức đối thoại và cùng hợp tác.
Bài báo đánh giá 76 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là sự nghiệp vĩ đại, làm cho vị thế, vai trò của Việt Nam ngày càng nổi bật và hội nhập quốc tế rộng rãi. Việt Nam không chỉ là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc mà còn là hình mẫu của việc đổi mới, phát triển, hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 10%, tỷ lệ cực kỳ khó khăn giảm xuống dưới 3%, thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này phản ánh thành công của một đất nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Từ một nước nghèo, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã từng bước đưa Việt Nam trở thành một phần của khu vực và thế giới, trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước trên thế giới.
Những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được hôm nay bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là dấu mốc lịch sử của dân tộc. Những thành tựu, thắng lợi đó tiếp tục là yếu tố nền tảng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chủ động nắm bắt thời cơ, xác lập được vị thế của mình là một trong những bài học kinh nghiệm then chốt làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những thành tựu đạt được trong 76 năm qua kể từ khi Việt Nam tuyên bố độc lập (2/9/1945 - 2/9/2021) và hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới đã thể hiện một cách sinh động về việc tiếp nối những bài học kinh nghiệm đó.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường trước, Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đổi mới, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự cường, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, trở thành nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2045.
Theo TTXVN/Vietnam+