Tuần tra rừng A Lưới trong dịp lễ

Bám địa bàn, tuần tra, truy quét

Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La, ông Phạm Viết Nước cho rằng, lâm tặc thường lợi dụng những ngày lễ kéo dài, lực lượng kiểm lâm sơ hở, lén lút vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD). Các khu rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên thường bị đe dọa bởi lâm tặc.

“Thường những ngày lễ, cán bộ BVR hầu như không được nghỉ, trừ những trường hợp bất khả kháng. Anh em kiểm lâm, BVR bám địa bàn, bám chốt, tuần tra, truy quét cả ngày lẫn đêm nhằm đề phòng tình trạng phá rừng, săn bắt ĐVHD, đẩy đuổi những đối tượng khả nghi. Các đơn vị chủ quản sẽ bố trí nghỉ bù vào thời điểm thích hợp, kèm theo hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và điều kiện của từng đơn vị”, ông Nước chia sẻ.

Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La, ông Nguyễn Thanh nhận định, các khu rừng của đơn vị giáp ranh rừng phòng hộ A Lưới, rừng phòng hộ Nam Đông, khe A Moong, giáp ranh tỉnh Quảng Nam có thể xảy ra tình trạng khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng, săn bắt ĐVHD bất cứ lúc nào, nhất là trong những ngày lễ Quốc khánh.

Dịp lễ Quốc khánh năm nay, đơn vị luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là. Từ trước lễ một tuần đã xây dựng kế hoạch, bố trí, phân công lực lượng trực chốt, tuần tra, truy quét liên tục, cả ngày lẫn đêm tại các khu rừng, nhất là những cánh rừng sâu có trữ lượng lớn gỗ tự nhiên, các loài ĐVHD.

Mỗi trạm, chốt được cử từ 5-7 người có nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát người ra vào rừng; phân công truy quét, tuần tra rừng cả ngày lẫn đêm. Quá trình quy quét, tuần tra, cán bộ BVR kết hợp đặt bẫy ảnh ghi nhận các loài thú rừng quý hiếm còn tồn tại, sinh trưởng. Sau đợt truy quét sẽ tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện đợt truy quét tiếp theo hiệu quả hơn.

Theo ông Thanh, đối với lâm dân hoạt động trái phép sẽ bị lập biên bản, lấy lời khai, đẩy đuổi ra khỏi rừng. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tang vật, phương tiện vi phạm khi phát hiện, bắt giữ tại hiện trường sẽ tiến hành lập các thủ tục đúng quy định. Trường hợp lâm sản bắt giữ có thể vận chuyển được thì cho vận chuyển ra khỏi rừng, nếu không thể đưa ra khỏi rừng thì báo cấp trên có biện pháp xử lý. Riêng động vật rừng còn sống sẽ lập các thủ tục đúng quy định và tiến hành thả về rừng.

Cần cơ chế hỗ trợ thỏa đáng

Cán bộ tuần tra rừng kết hợp đặt bẫy ảnh nhằm ghi nhận các loài thú rừng quý hiếm

Ông Trần Quốc Hùng-Giám đốc Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân cho rằng, QLBVR trong những ngày lễ là nhiệm vụ nặng nề đối với lực lượng kiểm lâm, BVR. Đơn vị phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, truy quét tại các điểm nóng nhằm sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, kết hợp tuyên truyền đến với người dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, ĐVHD.

Từ những ngày trước lễ, đơn vị tổ chức 22 đợt tuần tra, truy quét tại các điểm nóng, thường xảy ra nạn phá rừng, săn bắt ĐVHD. Nếu chủ quan, lơ là thì nhiều động vật rừng có nguy cơ đe dọa. Thực tế, lực lượng BVR trong quá trình tuần tra, truy quét đã lập biên bản 9 vụ; trong đó tịch thu, xử lý 205 dây, lồng bẫy; phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phú Lộc bắt giữ 2 đối tượng bẫy chim tự nhiên trái pháp luật, thả về môi trường tự nhiên 25 cá thể chim cu xanh.

Cuộc chiến chống lâm tặc, BVR rất nặng nề, chưa có hồi kết, không chỉ riêng những ngày lễ mà bất kể lúc nào. Có không ít cán bộ QLBVR của đơn vị không thể trụ vững do công việc nặng nhọc, chế độ chính sách chưa thỏa đáng đã bỏ nghề.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định, nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt ĐVHD có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong đó những ngày lễ, tết là thời điểm mà lâm tặc thường lợi dụng, tổ chức hoạt động. Dịp lễ Quốc khánh năm nay khá dài, Chi cục Kiểm lâm cùng với các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng, các ban QLBVR và các địa phương liên quan, các tỉnh giáp ranh vào cuộc BVR.

Các đơn vị, lực lượng luôn đề cao cảnh giác, chủ động bố trí, phân công lực lượng bám địa bàn, tích cực tuần tra, truy quét tại các điểm nóng, cửa rừng, lối mòn lâm sinh. Từ đó, sớm phát hiện những đối tượng nghi vấn, đẩy đuổi kịp thời ra khỏi rừng, kết hợp gỡ các loại bẫy thú, không để xâm hại đến rừng và các loài ĐVHD.

Chi cục tham mưu sẽ rà soát, nắm bắt tình hình của từng đơn vị, tâm tư nguyện vọng của cán bộ kiểm lâm, BVR, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh liên quan chế độ, chính sách trong QLBVR. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp kiến nghị, đề xuất cấp trên có cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ công tác QLBVR thỏa đáng, hiệu quả.

Bài, ảnh: Hoàng Triều