Cơ quan Công an thực hiện lệnh khởi tố, bắt giam đối tượng mua bán hóa đơn chứng từ với số tiền lên đến 17 tỷ đồng
Kịp thời rút kinh nghiệm
Mới đây, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức xét xử phúc thẩm hình sự vụ án Bùi Thị Thảo Ng. cùng đồng phạm, phạm tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 169 Bộ Luật hình sự.
Đây là vụ án phức tạp, nên lãnh đạo VKSND tỉnh quyết định chọn làm phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm, có sự tham gia theo dõi ở các đầu cầu trực tuyến tại VKSND hai cấp. Qua đó, đã làm sáng tỏ nội dung vụ án, nổi bật vai trò của các bị cáo trong vụ án; đưa ra những căn cứ pháp lý về việc quyết định mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Trên cơ sở những phân tích, lập luận của kiểm sát viên tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, xác định lại đúng vị trí, vai trò của các bị cáo trong vụ án và tuyên mức án như đề nghị của viện kiểm sát.
Sau phiên tòa, Tổ tư vấn đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đánh giá cao kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa của kiểm sát viên; đồng thời khẳng định, việc số hóa hồ sơ hình sự, trình chiếu các chứng cứ quan trọng trong vụ án tại phiên tòa có nhiều bị cáo và luật sư tham gia phiên tòa là vấn đề cần thiết, vừa đảm bảo tính công khai, khách quan trong xét xử vừa đảm bảo tính thuyết phục trong quá trình kiểm sát viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại phiên tòa.
Ông Trần Nhơn Vượng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, VKSND hai cấp đã tổ chức 69 phiên tòa rút kinh nghiệm; trong đó, có 2 phiên tòa số hoá hồ sơ và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại tòa. Mục đích của việc làm này là góp phần phòng, chống oan sai, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm của VKSND hai cấp trong tỉnh thời gian qua đã góp phần nâng cao công tác CCTP. Qua đó, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, thư ký tòa án, thẩm phán trong các đơn vị có điều kiện hơn trong việc rút kinh nghiệm chung để nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên, thẩm phán tại phiên tòa”.
TAND hai cấp trong tỉnh thời gian qua cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp đã giải quyết 1.503/3.015 vụ án các loại. Mục tiêu mà TAND hai cấp hướng tới là, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhất là đối với những vụ án hình sự. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, giải quyết các loại án, thi hành án hình sự đã khắc phục những hạn chế, sai sót trong các bản án.
“Để không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong điều tra, phá án, đơn vị thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; mở các lớp tập huấn về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; điều tra, khám nghiệm hiện trường các vụ cháy. Nhờ vậy, khắc phục được những thiếu sót, sơ hở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ.
Đổi mới tư duy, nhận thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCTP của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều vướng mắc, chưa có sự thống nhất giữa các ngành; việc xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên… chưa đạt yêu cầu nên lực lượng này chưa đủ mạnh để hỗ trợ tốt các quy định tư pháp của người dân trong kháng cáo, khiếu nại, hòa giải. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư trong các vụ việc tranh tụng còn thấp so với số lượng các vụ án đưa ra xét xử.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác CCTP trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh lưu ý: Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp cần tăng cường đổi mới tư duy, nhận thức trong triển khai, thực hiện công việc; làm tốt công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, kiện tòan tổ chức, bộ máy, cán bộ của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên đối với hoạt động tư pháp. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí cho hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác tư pháp, CCTP cho các đối tượng theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Đầu năm đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận 648 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua đó, đã xác minh, giải quyết 524 tin báo và đang tiếp tục xác minh 124 tin báo; khởi tố, điều tra 625 vụ/1.059 bị can. VKSND 2 cấp yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 9 vụ; ban hành 16 kiến nghị, yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm. Cơ quan THADS hai cấp đã thi hành xong 1.432/2.888 việc có điều kiện thi hành.
Bài, ảnh: Anh Phong