Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trong tiết học thực hành (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Lúng túng khi nhận “hai vai”

Hai môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 năm học 2021-2022 gồm: lịch sử - địa lý (tích hợp từ 2 môn lịch sử và địa lý) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học). Chương trình được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Tuy nhiên, dạy học tích hợp sẽ có lợi cho học sinh nhưng lại là thách thức không nhỏ đối với giáo viên.

Cô N.T.M., giáo viên dạy môn toán trong năm học tới. Cô hiểu rằng, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao, từ nguyên lý đến khái niệm; nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp để vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể tốt hơn. Tuy nhiên, theo cô M., giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực hóa, lý, sinh thì việc dạy học sẽ tốt hơn, trách nhiệm giáo viên trên lớp cao hơn thay vì kiêm nhiệm như năm học tới.

Với môn lịch sử và địa lý, nhiều nội dung dạy lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại, yêu cầu giáo viên phải có kiến thức cả về lịch sử và địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp. Thế nhưng có bao nhiêu thầy cô có cả kiến thức chuyên môn về lịch sử và địa lý để dạy? Việc thầy cô lo lắng là có cơ sở vì hiện nay hầu hết giáo viên được đào tạo để dạy đơn môn, như: toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh, sử, địa... nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định.

Chưa kể, mỗi môn học đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế khác nhau, nếu không có sự phân bổ thời gian và chuẩn bị chu đáo giáo viên sẽ rất bị động. Nhiều ý kiến cho rằng, khung chương trình dạy môn tích hợp chưa hợp lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo dành 10% thời gian cho làm bài kiểm tra môn tích hợp như vậy quá nhiều, không phù hợp với học sinh lớp 6.

Sẽ đào tạo giáo viên dạy tích hợp liên môn

Để có thể dạy các môn tích hợp ngay trong năm học mới, trước mắt nhiều trường trong tỉnh tạm thời vẫn bố trí các thầy cô dạy từng nội dung trong môn học. Phần chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ. Sau đó, các giáo viên sẽ vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất.

Không ít hiệu trưởng các trường thừa nhận, giai đoạn đầu triển khai dạy môn tích hợp, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn vì chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng dạy môn mới bài bản. Ngay cả việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng như thời khóa biểu theo chương trình mới cũng khiến không ít trường lúng túng. Trước đây, giáo viên dạy riêng các môn ổn định trong một thời gian dài nên sắp xếp thời khóa biểu dễ dàng, nhưng khi dạy tích hợp sẽ phải thay đổi liên tục vì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có quy định khác nhau về tỷ lệ phần trăm số tiết học các môn.

Ngày 21/7/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 quyết định về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn khoa học tự nhiên và bồi dưỡng giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý ở cấp THCS. Tuy nhiên, theo một số giáo viên dạy môn lịch sử, chỉ bồi dưỡng trong 3 tháng để một giáo viên lịch sử dạy địa lý hoặc ngược lại khó mà mang lại hiệu quả ngay được. Đó chỉ là giải pháp tình thế để các cơ sở giáo dục bố trí trong kế hoạch chuyên môn.

Mới đây, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trả lời báo chí cho hay: “Có thể gọi là chuẩn chung, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi”.

Cũng theo Sở GD&ĐT, mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Khoảng 4 năm nữa, các trường sư phạm sẽ có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn. Còn hiện nay, giáo viên địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức lịch sử để có thể dạy được và ngược lại; ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp.

Các trường cũng đã tính đến việc chọn giáo viên đi học bồi dưỡng thêm các môn khác ngoài môn đang dạy chuyên để có thể một mình đảm nhận môn tích hợp.

Bài, ảnh Huế Thu