Quốc kỳ của các quốc gia thành viên G20. Ảnh minh họa: Shutter/TTXVN

Đáng chú ý, gần 75% số vaccine này được triển khai chỉ ở 10 quốc gia. Trong khi đó, châu Phi có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng thấp nhất, ở mức 2%. “Điều này là không thể chấp nhận được”, người đứng đầu WHO khẳng định. Được biết, các mục tiêu toàn cầu của WHO là hỗ trợ mọi quốc gia để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9 này, ít nhất 40% vào cuối năm nay, và 70% vào giữa năm tới.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, những mục tiêu này vẫn có thể đạt được, nhưng chỉ với sự cam kết và hỗ trợ của các quốc gia G20. Là những nhà sản xuất, tiêu dùng và tài trợ lớn nhất của vaccine COVID-19, họ đang nắm giữ chìa khóa để đạt được sự công bằng về vaccine và chấm dứt đại dịch.

Các phản ứng toàn cầu đối với đại dịch phải dựa trên những nguyên tắc cốt lõi nhất định; có sự tham gia và quyền sở hữu của tất cả các quốc gia; là đa ngành, có sự tham gia của các đối tác từ phương pháp tiếp cận One Health (Một Sức khỏe); được liên kết và phù hợp với nhiệm vụ của WHO; cũng như đảm bảo tuân thủ các Quy định Y tế Quốc tế và các công cụ quốc tế khác.

Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi các Bộ trưởng Y tế G20 trao đổi lịch trình phân phối trong ngắn hạn với cơ chế COVAX, bằng cách thực hiện các cam kết chia sẻ vaccine, và chia sẻ công nghệ, bí quyết và sở hữu trí tuệ để hỗ trợ sản xuất vaccine trong khu vực. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng yêu cầu họ hỗ trợ việc xây dựng và thông qua một thỏa thuận quốc tế ràng buộc pháp lý về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, cũng như củng cố WHO.

Được biết, các Bộ trưởng Y tế G20 dự kiến sẽ có cuộc gặp cùng các Bộ trưởng Tài chính G20 vào cuối tháng 10, để thảo luận về cách củng cố kiến trúc y tế toàn cầu, trong khi duy trì vai trò trung tâm của WHO.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News & Straits Times)