Mọi năm cứ tầm này là lớp cấp 3 của chúng tôi lại tổ chức hội lớp kỷ niệm ngày ra trường. Khởi động thì 5 năm một lần, nhưng sau này, mọi người theo đề xuất của thầy chủ nhiệm lớp cố gắng làm mỗi năm 1 lần, bởi ai cũng càng ngày càng “tra nậy” cả, sợ 5 năm một lần thì thưa quá, rồi “rơi rụng”, rồi tiếc nuối… Và cứ thế thường niên đáo hạn, có năm thì chủ yếu mười mấy hai mươi người sống ở Huế. Có năm thì khá đầy đủ, kể cả các bạn ở xa từ Sài Gòn, Đà Lạt, thậm chí kể cả ở Mỹ, ở Nga cũng tựu về. Và dù đủ hay thiếu, bao giờ cũng vui thả cửa. Sau mỗi lần như thế, ai cũng như trẻ ra, như được nạp lại năng lượng…

Nhưng năm ngoái 2020, rồi sang đến năm nay 2021, COVID-19 đã ách tất cả lại. Không tổ chức được hội lớp, đành ngồi giở lại những bức ảnh cũ để nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ những ngày gặp mặt vừa rưng rưng cảm động vừa được cười vui thoải mái vô lo như những ngày son trẻ. Mà thật ra không phải chỉ có vậy, những dịp gặp nhau như thế, chúng tôi còn bàn làm việc này việc kia trong khả năng của mình, có thể là nhỏ nhoi thôi, nhưng lại có ý nghĩa với trường, với lớp… Tẩn mẩn với những ký ức như thế, bất chợt lại nhớ về cuộc chuyện trò với một nhà văn, một nhà ngoại giao mà tôi quen biết. Cuộc chuyện trò diễn ra cách đây cũng đã ít năm, nhưng không hiểu sao nó cứ đọng mãi trong tôi. Có lẽ nó quá chí lý, quá đồng điệu.

Hôm ấy tôi đang làm việc thì ông gõ cửa xin gặp để trao đổi một số công việc. Trong câu chuyện, ông cho hay ông vừa được mời dự kỷ niệm ngày thành lập của một ngôi trường danh tiếng, và đó là lần thứ ba hay thứ tư gì đó mà ông được dự (bởi cứ vào năm chẵn, sự kiện này lại được tổ chức). Tại sự kiện ấy, có nhiều thế hệ cựu học sinh về dự. Trong số đó có những người đã thành danh, có tiếng tăm, và sự hiện diện của họ là điều vinh dự cho nhà trường. Và trong suốt buổi lễ, giới thiệu, giao lưu, trò chuyện, thì họ luôn là “diễn viên” chính.

Tôi thấy lạ quá- Ông phàn nàn- Mời ngồi vị trí danh dự, trân trọng giới thiệu, trân trọng mời giao lưu, phát biểu, điều đó là phải đạo và đương nhiên. Nhưng không nên dịp nào cũng chỉ những con người ấy chiếm diễn đàn. Họ là lớp người bằng hoặc lớn hơn tôi chút, đều đã bảy, tám mươi tuổi cả rồi. Mình có chút danh phận, có chút tiếng tăm thật đấy. Nhưng nói vô phép, đều là hàng sắp… “hết date”. Vậy cớ gì mà hễ cứ được mời là lên nắm micro thao thao bất tuyệt. Lớp trẻ họ ngại một phần, mà còn ngán nữa.

Cuối cùng lảng ra đi uống bia cả. Đó không phải là do tôi võ đoán hay tự nghĩ, mà là tâm sự thật của con tôi và bạn bè nó - cũng là cựu học sinh của trường. Chúng nó bây giờ có thể chưa nổi tiếng, nhưng đều là kỹ sư, bác sĩ, chủ doanh nghiệp hay lãnh đạo các sở, ngành, công ty danh tiếng… Trí tuệ sung mãn nhất bây giờ là nằm ở chỗ họ, rủng rẻng tiền bạc nhất bây giờ cũng nằm ở chỗ họ. Vậy sao không biết tranh thủ nguồn lực quý báu ấy mà cứ chiếm diễn đàn của họ mãi. Nhà trường thì tất nhiên ưu tiên mời lớp tiền bối danh tiếng như quý vị ấy rồi, nhưng thoái lui là quyền của quý vị ấy, hoặc tế nhị nữa thì chỉ nên nói vài câu cho phải phép rồi thôi. Mình nói mãi rồi, có gì trong gan ruột cũng đều đã lôi ra cả rồi, bây giờ nên dành diễn đàn, dành thời gian cho lớp trẻ, sẽ tốt hơn rất nhiều…

Chuyện của ông không khỏi gợi cho tôi nhớ về một vài trường hợp mà tôi trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể. Đó là có một số nhân vật (may mắn là ít chứ không nhiều), khi được mời dự sự kiện này, sự kiện khác mà nhỡ bị giới thiệu sót, giới thiệu sau, thậm chí giới thiệu sót chức danh, học hàm học vị… là lập tức cảm thấy không vui, thậm chí còn tỏ thái độ bằng cách bỏ về, hoặc yêu cầu phải giới thiệu lại. Nghe cứ như… giai thoại. Đó mới chỉ là phần lễ tân thôi, huống gì đã lên cầm micro rồi mà chịu nhường diễn đàn? Nếu ai cũng tư duy, cũng hành xử được như điều mà ông đã nghĩ, thì thật còn gì quý bằng.

Cũng xin nói thêm rằng, ông là người khá nổi tiếng, từng được mời nói chuyện, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng chứ không phải chỉ là một người đàn ông “làng nhàng” không được quan tâm nên bực bõ mà nghĩ vậy, nói vậy.

Huy Khánh