Đây là một loài cây thân gỗ thường xanh, thuộc họ cau – Arecaceae, với tên khoa học là Hyophorbe lagenicaulis.

Cau sâm banh được phát hiện đầu tiên ở một đảo nhỏ mang tên Round Island, trong quốc đảo Mauritius, thuộc quần đảo Mascarene ở Ấn Độ dương, nên còn mang tên khoa học Mascarena lagenicaulis (là tên đồng nghĩa với Hyophorbe lagenicaulis).
 
Nhờ hình thái bắt mắt, dần dần nó được chọn làm cây cảnh cho nhiều vùng nhiệt đới khắp thế giới. Do phổ thích nghi rộng với nhiều loại đất trồng, chịu được nền đất thiếu dinh dưỡng, nên cau sâm banh dễ được phát triển lan tỏa.
 
Cau sâm banh thích điều kiện ánh sáng tán xạ, nhưng vẫn có thể sống nơi ánh sáng trực xạ toàn phần với điều kiện đất đủ ẩm và được cung cấp đầy đủ nước suốt thời kỳ khô hạn. Nếu trồng cau sâm banh trên nền đất thiếu dinh dưỡng chỉ cần bón phân bổ sung ba lần trong năm. Với những đặc điểm vừa nêu, người chơi cây cảnh có thể phát triển theo cả hai hướng, trồng chậu và trồng đất.
 
Mỗi cây cau sâm banh chỉ mang 4 đến 6 lá, vài trường hợp thích ứng với điều kiện khí hậu tối ưu thì cũng chỉ lên tới 8 lá trong cùng một thời điểm. Cây mang hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một buồng và cùng có màu vàng sáng. Buồng hoa luôn xuất hiện dưới bắp lá, lúc bung, buồng có dạng như một pháo hoa, trông khá hấp dẫn. Quả tròn, lúc non và chuyển thành màu đen khi chín. Khi quả chín, có thể thu hoạch để tách hạt tươi làm giống. Nhân giống bằng hạt tươi phải mất 4-6 tháng hạt mới nảy mầm.
 
Ở Việt Nam, không rõ cau sâm banh được nhập nội lúc nào, nhưng hiện nay nó xuất hiện như hầu khắp các tỉnh thành. Ở các khu đô thị, cau sâm banh thường được trồng trên những không gian mở. Ở nhiều sân vườn tư thất, cau sâm banh được trồng làm điểm nhấn trên những ụ đất rải thảm cỏ xanh hoặc trồng chậu để trang trí nội thất, tiền sảnh…
 
Ở Huế cũng đã có một số công trình bài trí cây cau sâm banh, mặc dù chưa phổ biến như một số thành phố phía Nam. So với nhiều loài cây cảnh khác như cau kiểng vàng, cau trắng, cau tua… thì cau sâm banh phát triển số lượng trên vùng đất Huế khá chậm. Điều này có thể do cây giống đắt tiền, nguồn giống không phong phú, cũng có thể thị hiếu xứ Huế chưa mấy mặn mà, vì đa số người Huế thích thanh tao nhẹ nhàng, trong khi cau sâm banh có dáng dấp không được thanh mảnh, chỉ phù hợp với những ai thích cái lạ mắt hoặc thích đa dạng hóa hình thái và phong phú hóa chủng loại cho vườn hoa cây cảnh của mình.
 
Đỗ Xuân Cẩm