Pháp huy động hơn 1.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho phiên toà xét xử các nghi phạm vụ thấn công khủng bố Paris năm 2015. Ảnh minh hoạ: Reuters/Nhandan

Khoảng 130 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi các tay súng tấn công vào 6 quán bar và nhà hàng, phòng hòa nhạc Bataclan và một sân vận động thể thao, để lại những “vết sẹo sâu” trong tâm hồn cả nước.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin nói rằng “mối đe dọa khủng bố ở Pháp rất cao, đặc biệt là vào những thời điểm như khi xét xử các vụ tấn công”, do đó ông kêu gọi tất cả các quận trưởng cần nâng cao cảnh giác.

Theo lời Bộ trưởng Darmanin, tổng cộng có hơn 1.000 cảnh sát được huy động để đảm bảo an ninh cho phiên tòa được xem là lớn nhất trong lịch sử pháp lý hiện đại của nước này.

Những người được phép tham dự phiên tòa sẽ phải đi qua một số trạm kiểm soát trước khi được phép vào phòng xử án và các phòng khác trong toà án.

Phiên tòa sẽ kéo dài 9 tháng, với khoảng 1.800 nguyên đơn và hơn 300 luật sư tham gia. Bản án dự kiến sẽ được đưa ra ​​vào cuối tháng 5 năm sau.

Những người sống sót và thân nhân của những người thiệt mạng cho biết họ hy vọng phiên tòa sẽ giúp họ, và mọi người, hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra và nguyên nhân vụ khủng bố, từ đó hy vọng sẽ tránh được các cuộc tấn công tiếp theo.

Hầu hết các bị can, trong đó có Salah Abdeslam, 31 tuổi, người Pháp gốc Maroc, người được cho là thành viên sống sót duy nhất của nhóm bị tình nghi thực hiện các vụ tấn công, sẽ phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.

Các nghi phạm khác, trong đó có 6 người sẽ bị xét xử vắng mặt, bị cáo buộc cung cấp súng và ô tô hoặc đóng vai trò tổ chức các vụ tấn công.

Barthelemy, một người sống sót sau cuộc tấn công vào phòng hoà nhạc Bataclan, cho biết hiện tại anh vẫn ổn nhưng bị trầm cảm và lo lắng.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, tuyên bố đã kêu gọi các tín đồ tấn công nước Pháp vì liên quan đến cuộc chiến chống lại nhóm này ở Iraq và Syria.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)