Doanh nghiệp kinh doanh sản xuất lĩnh vực công nghiệp ở Huế mới giải quyết lao động phổ thông

Nặng về lượng, nhẹ về chất

Khoảng hai thập niên gần đây, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp. Đó là mạnh dạn phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) với điều kiện hạ tầng kỹ thuật thuận lợi để thu hút đầu tư các DN trong, ngoài nước; tranh thủ vốn và công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, trình độ công nghệ sản xuất của các khu vực này chưa có con số cụ thể để đánh giá. Từ năm 2011 đã có quy định DN dành tối đa 10% thu nhập chưa đóng thuế để thành lập quỹ KHCN, nhưng phần lớn không mặn mà. Nhiều DN thực hiện một đề tài khoa học do nhà nước đầu tư kinh phí, nghiệm thu xong xếp vào hộc tủ là chuyện không lạ. Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu phát triển, gần một thập niên qua, toàn tỉnh có gần 150 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu chuyển giao ĐMCN cho các DN, nhưng số đề tài được thương mại hóa, ứng dụng vào thực tế rất hạn chế.

Trong khi đó, DN làm đề tài khoa học, hay dự án (DA) nghiên cứu muốn sử dụng kinh phí từ quỹ này rất khó tiếp cận vì ràng buộc nhiều quy định, tiêu chí. Một đề tài, DA đang nghiên cứu nhưng DN xét thấy không còn thích hợp, quyết định cho dừng thì cũng hoàn toàn hợp lý, nhưng đối với ngành thuế, việc ngưng giữa chừng này sẽ bị quy vào sử dụng sai mục đích quỹ...

Công nghệ trong các DN sản xuất giấy ở KCN Phú Bài còn lạc hậu (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Một khía cạnh khác khi nhìn lại lĩnh vực công nghiệp thời mới chớm nở (trước năm 2010), Thừa Thiên Huế nằm trong số các địa phương “trải thảm” tìm cách thu hút đầu tư, miễn là trên các bảng nhật ký công vụ “ghi nhiều nhà đầu tư” càng tốt. Hầu hết việc giải ngân của các DA công nghiệp đều chậm, thậm chí nhiều DA bị hụt hơi vì không thể đánh giá được năng lực tài chính và yếu tố công nghệ của các nhà đầu tư.

Lấp đầy KCN thời điểm ấy vẫn là ưu tiên nên cơ cấu ngành nghề, yếu tố công nghệ, môi trường của DA chưa được chú trọng. Các DA đầu tư vào KCN phần lớn quy mô nhỏ, như dệt may, da giày, cơ khí, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng... Các DN hoạt động trong KCN đơn lẻ chưa có sự liên kết nên càng hạn chế việc chuyển giao, ĐMCN.

KCN Phú Bài ra đời sớm, nơi có điều kiện thuận lợi nhưng ngoài Công ty Bia Huế; Công ty sản xuất men Frit, thì ở thời điểm này hầu hết đầu tư vào đây chỉ có quy mô vừa, thiếu DA động lực, chế biến sâu tạo giá trị sản phẩm cao.

Theo một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, chưa thể đòi hỏi nhiều công nghệ tốt hoặc chuyển giao, ĐMCN trong DN ở Huế. Muốn có công nghệ cao thì phải có hạ tầng kết nối, con người. Ngay như nhân sự quản lý cấp cao tìm không ra thì làm sao tiến đến thu hút công nghệ cao.

Chưa tạo lực hút cho kinh tế địa phương

Hiện toàn tỉnh có 6 KCN với diện tích 2.393 ha và 2 KKT tại Chân Mây - Lăng Cô diện tích 27.108ha và KKT cửa khẩu A Đớt diện tích 10.184ha; thu hút hơn 156 DA, với tổng vốn đăng ký 109.758 tỷ đồng, giải quyết khoảng 34 nghìn lao động. Song, chưa có DA, DN đào tạo lực hút cho kinh tế địa phương. Ngay cả 34 DA vốn FDI ở khu vực này nhưng phần lớn đều có quy mô vừa, mới dừng ở mức cung cấp nhân công cho hoạt động gia công giá rẻ là chính. Năm 2020, nguồn thu từ các đơn vị DN ở đây (chiếm gần 80% DN ở địa phương) đóng góp vào ngân sách tỉnh đạt 2.500 tỷ đồng. Đây là con số khiêm tốn khi xác định công nghiệp là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn địa phương, chưa đưa Thừa Thiên Huế ra khỏi nhóm Trung ương điều tiết, giao chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm.

Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, gần đây chính quyền các cấp đang tìm cách để thúc đẩy kinh tế lĩnh vực công nghiệp bởi đã nhìn thấy phần lớn các DN chủ yếu là gia công, lắp ráp. DN áp dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ rất hiếm. Nguyên nhân này một phần do mức đầu tư cho phát triển KHCN còn thấp, giai đoạn 2012-2018 chỉ đạt trung bình 0,6 tổng chi ngân sách tỉnh; chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh vẫn còn thấp, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2018 là 2,17%/năm; tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt 27,3%, chưa đạt so với chỉ tiêu đến năm 2020 đạt trên 30%.

Tại các hội thảo “Thúc đẩy đổi mới công nghệ trong DN” do Sở KHCN tổ chức gần đây, nhiều ý kiến đánh giá trình độ công nghệ thuộc nhóm ngành công nghiệp chủ lực Thừa Thiên Huế đều xếp hạng trung bình, như ngành nghề chế biến lâm sản, gia công cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng...

PGS.TS. Lê Thị Thu Hà, Giảng viên Trường đại học Ngoại Thương Hà Nội cho rằng, cơ cấu công nghiệp, dịch vụ trong GDP, hàm lượng công nghệ cao, cơ cấu dân số đô thị, nông thôn cần có bước đi phù hợp, bởi công nghiệp hóa là điều tất yếu của bất cứ địa phương nào muốn nhận diện tăng trưởng. Tuy nhiên, ước vọng này là bài toán không dễ vì thực tế khi DN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế tạo, chế biến sâu ở Huế quá khiêm tốn.

ĐMCN là tất yếu

Thực tế qua gần hai năm chống đỡ những làn sóng COVID-19 mới nhận rõ lĩnh vực kinh tế ở địa phương là du lịch, dịch vụ đã bị đóng băng; trong khi đó sản xuất công nghiệp vẫn “sáng đèn” hoạt động với phương án “ba tại chỗ” (làm, ăn, nghỉ tại chỗ); “một cung đường-hai địa chỉ” (đón trả công nhân từ nơi làm về nhà theo một cung đường) để duy trì, tăng trưởng.

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2021 dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 374,2 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,8% tổng KNXK. Do vậy, xem công nghiệp là một trong những trụ cột kinh tế chính địa phương là điều không cần bàn cãi và việc chuyển giao, ĐMCN trong DN sản xuất công nghiệp hiện nay cần phải chú trọng.

Trong diễn đàn “Đối thoại DN và đổi mới công nghệ” do Bộ KHCN tổ chức tại tỉnh Gia Lai mới đây, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho rằng, đối với DN, hoạt động ĐMCN không còn là một lựa chọn, mà sẽ là hoạt động tất yếu nếu muốn duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. ĐMCN không chỉ mang đến hiệu quả vượt trội trong sản xuất kinh doanh cho DN mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương, quốc gia. Để hoạt động đầu tư công nghệ hiệu quả, bước đầu tiên và quan trọng nhất là lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực của DN, tiềm năng phát triển của địa phương và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Dịp này, PGS. Dương Minh Hải, Đại học Quốc gia Singapore, người từng có nhiều năm hợp tác cùng các DN dẫn ví dụ từ quốc gia này các DN luôn sẵn sàng ĐMCN. Khi các nhà khoa học viết DA nghiên cứu phải có DN hỗ trợ. Để làm được điều này, vấn đề nhà khoa học đặt ra phải trùng với sự quan tâm của DN. Nếu nghiên cứu đó giải được bài toán cho những khó khăn họ đang gặp phải thì việc cấp kinh phí không còn là chuyện khó khăn. Điều DN cần là làm sao đơn giản hóa trong sản xuất, nâng hiệu suất đầu tư.

Xét góc độ thực tế địa phương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Dương Tuấn Anh cho rằng, chuyển giao, ĐMCN tiên tiến hay chọn lọc công nghệ đầu tư là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để cải thiện một cách cơ bản năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế. Song thực hiện được hay không là trông chờ sự nhiệt tâm các bên: nhà quản lý, nhà khoa học và DN cùng nhìn về một hướng. Trong xu thế cạnh tranh hội nhập hiện nay, với các DN dù là nhỏ phải nhận thức, xem xét áp dụng ĐMCN làm theo từng giai đoạn; có thể tìm kiếm liên kết, hợp tác tốt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật, công nghệ mới.

Ở góc nhìn khác, khi gần đây Thừa Thiên Huế chỉ ưu tiên mời gọi các DA chất lượng có công nghệ xanh sạch, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, công nghệ tiên tiến kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Chính sự lựa chọn, thẩm định dứt khoát này sẽ giảm tải việc giải quyết về chuyển giao, ĐMCN trong DN sản xuất công nghiệp hiện nay; đồng thời, không để Thừa Thiên Huế trở thành “bãi rác công nghệ” trong thời gian đến...

Bài, ảnh: Minh Văn