Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: PHAN THÀNH

​Hiện, trên địa bàn có hàng chục ngàn lao động trở về từ vùng dịch. Ngành đã rà soát nhu cầu việc làm  để có những giải pháp nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống cho họ?

​Trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, đến nay có hơn 25.000 LĐ trở về Thừa Thiên Huế. Trong đó, có 16.198 người trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, học nghề và vay vốn tạo việc làm, chiếm 64,4% số lao động ngoại tỉnh trở về địa phương. Cũng trong số đó, có 9.791 người có nhu cầu giới thiệu việc làm, 1.431 lao động có nhu cầu học nghề, 342 người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hơn 4.618 người có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm.

Dự kiến sẽ có bao nhiêu người ở lại lập nghiệp lâu dài tại quê nhà và liệu tay nghề của họ có đáp ứng được vị trí ngành nghề theo yêu cầu của DN?

Rất khó để định lượng vì việc ở lại lập nghiệp lâu dài tại quê nhà phụ thuộc vào nguyện vọng, nhu cầu, công việc và cuộc sống của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, với trách nhiệm của ngành LĐTB&XH, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo việc làm cho người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Thực tế, điều kiện và môi trường công việc ở địa phương vẫn có thể đáp ứng tốt hơn, bằng hoặc dù có thể thấp hơn một chút so với đi làm xa quê thì phần đông vẫn muốn ở lại lập nghiệp lâu dài tại quê nhà.

Còn về tay nghề của LĐ, những người này đã có thời gian dài làm việc tại các công ty, nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam nên tôi nghĩ đa phần họ có trình độ chuyên môn cũng như tay nghề tốt, có kỹ năng nghề và có tác phong công nghiệp. Do đó, những LĐ trở về địa phương hoàn toàn có thể đáp ứng được các vị trí ngành nghề mà hiện có 36 DN trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng 8.341 vị trí, trong đó công nhân may mặc là 6.290 người.

Có vẻ như hơn 8.300 lao động mà 36 DN đang cần tuyển dụng vẫn còn thấp so với lao động hồi hương. Ngành có kế hoạch giải quyết việc làm như thế nào cho số dư này?

​Theo các số liệu thống kê, có 9.791 người trở về địa phương có nhu cầu giới thiệu việc làm. Như vậy, nếu 36 DN tuyển dụng được 8.341 vị trí việc làm từ 9.791 người đang có nhu cầu việc làm thì đáp ứng được hơn 85%. Số còn lại ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, như tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho những người có nhu cầu để đưa họ sớm trở lại thị trường lao động.

Nhu cầu tuyển dụng lao động nghề may, lao động phổ thông trên địa bàn rất lớn, giúp nhiều lao động hồi hương nhanh có việc làm ổn định

​Ngoài ra, ngành sẽ tạo điều kiện, kết nối các DN hoạt động trong lĩnh vực đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo điều kiện tốt nhất cho 342 người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho LĐ; phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nhiệp giúp LĐ có việc làm, tăng thêm thu nhập...

Điều đó có nghĩa là để tất cả LĐ trở về quê có việc làm thì không chỉ DN mà chính quyền địa phương cũng cần phải vào cuộc, hay nói cách khác phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra ngành nghề, việc làm để đảm bảo an sinh xã hội?

​Giải quyết việc làm cho người dân là việc làm hết sức quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của DN mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội. Con số LĐ mà DN đang cần tuyển chủ yếu thuộc ngành may mặc, nên đó chỉ là hướng giải quyết trong ngắn hạn. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có những giải pháp tạo việc làm cho người dân thông qua việc tạo ra được các cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, để các DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; khuyến khích người dân đầu tư, đăng ký thành lập DN, khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh để tạo ra nhiều việc làm mới, thêm những ngành nghề đòi hỏi tay nghề, chất xám... mang lại giá trị cao hơn để người dân dễ dàng tìm được việc làm và tự đảm bảo được cuộc sống của họ.

Ông có thể nói rõ hơn?

Với nhu cầu tuyển dụng và thực tế việc làm tại các DN, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí nhất định để triển khai các khóa đào tạo nghề với thời gian thích hợp cho NLĐ trở về quê hương, cũng như lao động trên địa bàn muốn tham gia học nghề để thích ứng trước sự thay đổi như hiện nay; đồng thời, sàng lọc trình độ tay nghề để giới thiệu cho các DN. Để làm được việc này, ngành tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, hoặc khuyến khích DN đủ năng lực tự tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ, giúp NLĐ sớm có nghề tham gia ngay thị trường lao động, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngành sẽ vận dụng chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; kết nối, xúc tiến các hoạt động liên quan để NLĐ có thể tham gia khóa đào tạo ngắn hạn theo công đoạn phù hợp yêu cầu về cơ cấu nhân sự của DN, hoặc tổ chức các khóa học nghề trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng cho NLĐ có nguyện vọng được chuyển đổi nghề mới để làm việc tại DN trên địa bàn hoặc tham gia các đơn hàng đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan...

Như ông nói, giải quyết việc làm là trách nhiệm của toàn xã hội, vậy khó khăn lớn nhất của địa phương là gì và lời giải cho bài toán này như thế nào?

​Theo tôi, khó khăn lớn nhất của địa phương đó là chưa có nhiều DN có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh lớn, đa phần là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nên vấn đề giải quyết việc làm cho người dân còn thiếu tính bền vững.

​Do đó, có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp là việc làm then chốt, hết sức quan trọng, nhằm khuyến khích DN mở rộng hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư vào tỉnh để hình thành DN; khơi gợi tính sáng tạo, khởi nghiệp trong mỗi người dân để họ có thể xây dựng cơ sở kinh doanh, sự nghiệp riêng của mình. Ngoài ra, địa phương cần xác định mô hình cũng như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp để tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, nhất là các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh như du lịch, khách sạn, dệt may...

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)