Người dân Phong Điền thu hoạch sắn chạy lũ
Đẩy nhanh thu hoạch vùng thấp trũng
Tại cánh đồng thôn Phò Ninh, xã Phong An, không khí rất khẩn trương. Mọi người đều tranh thủ trời còn tạnh ráo, ra đồng thu hoạch sắn.
Chị Hoàng Thị Hạnh, một nông dân cho biết, nếu mưa lớn kéo dài 2-3 ngày, sắn bị ngập nước sẽ bị rụng lá và thối củ. Mọi năm, thời gian thu hoạch vào đầu tháng 10, năm nay bão đến sớm nên buộc phải thu hoạch bão lũ. Năng suất sẽ có phần thấp hơn so với mọi năm, nhưng đảm bảo chất lượng củ sắn, bán được giá.
Trong khi đó, ở xã Phong Hiền, người dân cũng hối hả thu hoạch sắn. Năm 2021, xã Phong Hiền trồng gần 250 ha sắn. Trước ảnh hưởng của mưa bão, người dân xã Phong Hiền thu hoạch 62 ha vùng thấp trũng, nguy cơ ngập úng cao. Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Hiền cho biết, năng suất sắn ước đạt 17 tấn/ha, giảm khoảng 30% so với năm 2020 (khoảng 25 tấn/ha). Tình hình dịch bệnh khảm lá trên cây sắn diễn biến phức tạp và nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất sắn.
Giá sắn năm nay được thu mua cao hơn. Các thương lái thu mua trực tiếp tại cánh đồng với giá từ 1.700 đồng/kg. Trong khi đó, người dân đến bán trực tiếp tại Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy, trụ sở tại tỉnh Tây Ninh) với giá 1.800 đồng/kg và có thể cao hơn tùy theo chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, vụ sắn năm nay, toàn huyện gieo trồng 1.015 ha; tập trung ở các địa phương: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa... Kế hoạch diện tích cần thu hoạch để chạy lũ trước cơn bão CONSON là 550 ha. Huyện yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những diện tích thấp trũng. Các diện tích đã đúng tuổi cần theo dõi diễn biến mưa lũ để có phương án thu hoạch hợp lý.
Cũng theo ông Phước, các địa phương chủ động đăng ký thời gian, diện tích thu hoạch, sản lượng cung ứng với Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Đảm bảo phù hợp nhu cầu thu mua và công suất của nhà máy, tránh việc sắn để lâu ngày ảnh hưởng đến chất lượng và giá bán.
Giá sắn bán tại ruộng là 1.700 đồng/kg
Quản lý tốt nguồn giống cho vụ sau
Liên quan đến thu mua sắn của Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế do sắn giống bán cho người dân đầu vụ bị bệnh khảm lá, nhà máy đã có văn bản gửi UBND huyện Phong Điền về việc hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện, cam kết sẽ bao tiêu thu mua sắn với giá 1.800 đồng/kg đối với sắn có 20 chữ bột trở xuống. Sắn có chữ bột cao, nhà máy sẽ mua giá cao tương ứng với từng chữ bột tăng. Bên cạnh đó, sẽ hoàn trả 100% tiền sắn giống bị bệnh khảm lá cho người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên Huế, thời gian tới, mưa lũ diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch sắn, đặc biệt các vùng thấp trũng.
Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, quản lý và chuẩn bị giống sắn trồng niên vụ 2022, UBND huyện Phong Điền yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thống kê diện tích đến kỳ thu hoạch, chỉ đạo ưu tiên thu hoạch trước đối với diện tích vùng thấp trũng. Phối hợp với các địa phương chọn đơn vị làm đầu mối dịch vụ để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân trồng trong niên vụ 2022. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy mẫu test virus gây bệnh khảm lá, nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh ngay từ đầu vụ.
Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang nhiễm bệnh sang trồng trên địa bàn khác. Đối với niên vụ sắn 2022, khuyến cáo nông dân trồng sắn sạch bệnh, rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không sử dụng hom sắn của cây sắn nhiễm bệnh khảm lá để làm giống. Sắn để lại làm giống phải đảm bảo sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt.
Bài ảnh: Đ. Quang – T. Dũng