Nhân viên bưu điện đo thân nhiệt trước khi đến các điểm phát trợ cấp
Ông Hồ Văn Kỳ, Giám đốc Bưu điện TP. Huế cho biết, để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội trực tiếp, đơn vị xây dựng 2 phương án: Những khu vực phong tỏa, nhân viên bưu điện sẽ đến từng nhà, thông báo giờ giấc cụ thể cho họ để chi trả lương, tùy theo tình hình cụ thể. Hiện, còn có hơn 2.000 người già yếu và đau ốm, ngành bưu điện đang thực hiện chi trả lương tại nhà.
Những địa phương không bị phong tỏa và giãn cách sẽ chi trả tại UBND phường. Đơn vị thông báo ngày giờ, địa điểm cụ thể cho từng phường, xã nhằm tránh tập trung đông người. Tại các điểm chi trả, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, sát khuẩn miễn phí, bố trí nhân viên chi trả tại các địa điểm hợp lý, từ 3 đến 4 người. Mỗi lần chi trả đều có nhân viên hướng dẫn bà con thực hiện 5K, một lần không quá 15 người và giãn cách tối thiểu 2m. Nhân viên chi trả, người hưởng phải tuân thủ các biên pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Toàn tỉnh có trên 500 nhân viên bưu điện làm công tác chi trả lương hưu và các chế độ chính sách. Họ đều đã được tiêm vắc-xin. Trước khi đi làm nhiệm vụ, họ đều có giấy chứng nhận tiêm chủng và đo thân nhiệt. Do có chế độ chính sách hợp lý nên hơn hai năm qua không có tình trạng lây nhiễm COVID-19 từ đội ngũ nhân viên bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội trực tiếp này.
Chị Trần Thị Quế Anh, nhân viên Bưu điện TP. Huế chia sẻ, đã “chinh chiến” hai năm phát lương, chế độ chính sách trong mùa dịch nên không thấy áp lực. Khi đi làm nhiệm vụ chỉ cần tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn cho mình và cho người dân. Sử dụng kính chắn giọt bắn và sát khuẩn liên tục với phương châm nhanh gọn, chính xác và đảm bảo an toàn.
Cũng trong lĩnh vực chi phát lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH, để hạn chế tập trung đông người, ngành BHXH Thừa Thiên Huế khuyến khích và tạo điều kiện giúp đội ngũ hưu trí và người lao động sử dụng tài khoản ATM, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; riêng đối với trả lương tháng cho hưu trí có thể gộp chung để trả trước 2 tháng một lần nhằm hạn chế tập trung đông người, thực hiện có hiệu quả những biện pháp phòng, chống dịch.
BHXH Thừa Thiên Huế còn nghiêm túc triển khai Công văn số 1098/BHXH-VP và văn bản số 1142/BHXH-VP của BHXH Việt Nam về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, việc thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các bộ phận có công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân.
Hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề đặt ra. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, cán bộ và nhân viên phải làm quen với việc thực hành đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tại các điểm tiếp xúc và tập trung…; cài đặt các ứng dụng phát hiện, cảnh báo nếu có tiếp xúc với các nguồn lây để kịp thời xử lý nếu có nguy cơ lây nhiễm bệnh...
Bài, ảnh: Ngọc Dung