Nhìn con tàu đương nhiên nghĩ đến đầu tàu, trong trường hợp này là đội trưởng Lê Hòa. Vẻ như chức đội trưởng quá bé so với nhiệt tâm anh dành cho công việc. Vừa nhận đội trưởng, anh xốc lại đội xe đang bạc nhược như bác sĩ giỏi nghề cứu con bệnh nặng. Lắm anh lái xe cho sếp núp bóng cậy thế, phóng túng nghênh ngang liền bị anh mài mòn những thói xấu.

Khi đội xe bị cấp trên nhắc nhở một thì Lê Hòa chấn chỉnh thuộc cấp hai hoặc nhiều hơn, theo kiểu “dùi đánh đục, đục đánh săng”. Bởi vậy cuộc họp kéo dài như ninh xương và vấn đề yếu kém lật qua đảo lại giống rang lạc. Những khẩu ngữ như tích cực, nỗ lực, ra sức, nêu cao… anh sắp trên đầu lưỡi, sẵn sàng bung ra uốn nắn cấp dưới. Khi đội xe bị điểm thi đua thua sút là anh cay cú, gặp người có trách nhiệm hỏi cho ra lẽ, lại “dìm hàng” đơn vị bạn hòng cho mình nổi lên. Trong khi đội trưởng ngược xuôi bảo toàn thành tích đơn vị thì Võ Thạch – tài xế lớn tuổi nhất đội xe - rung đùi, phang ngang giữa trời: “Đó là ganh đua chứ đâu phải thi đua”. Lê Hòa trừng mắt bỏ đi, nhưng kẻ ấy còn ném theo lời bông phèng cùng tiếng cười trêu tức: “Thi đua ta quyết đi đầu/Đi đầu ta biết đi đâu bây giờ?”.

Chánh văn phòng tổng công ty dự họp tổng kết năm của đội xe, chỉ ra điểm yếu của đơn vị là chưa tận dụng thời gian rảnh rỗi. Khuyết điểm này có từ thuở đội xe mới lập, bởi thủ trưởng đâu phải lúc nào cũng vi vu trên đường nên tài xế chẳng thể ôm vô-lăng suốt. Với người khác có thể che chắn cho thuộc cấp nhưng Lê Hòa thì không; anh tán dương “sự sâu sát” của cấp trên và thêu dệt khuyết điểm của cấp dưới. Tiếp đó, anh yêu cầu đơn vị kiên quyết thực hiện “chỉ đạo sáng suốt” của sếp, tranh thủ thời giờ học tập nâng cao trình độ và tăng gia tự túc, chấm dứt chúi mũi vào điện thoại; đây sẽ là một nội dung thi đua, là tiêu chí đánh giá cá nhân. Chánh văn phòng gật gù, biểu dương biện pháp ấy của đội trưởng, còn bảo sẽ cho các đơn vị học tập noi theo. Biết đội trưởng chỉ làm màu trước cấp trên như đuổi gà qua đám giỗ, sau thì đâu vẫn vào đấy nên Võ Thạch lầm bầm trước khi quay lưng: “Hướng thượng tinh vi!”.

Không chỉ trong phạm vi phụ trách, Lê Hòa còn lấn sân, mở rộng trách nhiệm khi đề xuất chánh văn phòng cấm chạy xe máy trong khuôn viên cơ quan nhằm giảm tiếng ồn, không để cán bộ làm việc trong văn phòng bị phân tán. Đề xuất được áp dụng đã bùng phát những bất tiện cùng phản ứng từ số đông. Phải xuống xe tắt máy, dắt bộ vài trăm mét từ cổng vào phòng làm việc khiến lắm người hụt hơi, rã rời, rủa kẻ đưa ra “tối kiến”. Võ Thạch gặp Lê Hòa chất vấn: “Anh không động lòng khi thấy những nữ đồng nghiệp vác bụng bầu dắt xe đi bộ mấy trăm mét dưới nắng hay sao?”. Lê Hòa chống chế dửng dưng: “Đó chỉ là cá biệt”. Đáp lại là giọng gay gắt: “Anh đừng làm thầy dùi nhằm lấy lòng cấp trên, nhằm tỏ vẻ ta đây nêu cao trách nhiệm nhưng lại làm khổ mọi người như thế!”. Đội trưởng bối rối quay đi khi bị điểm huyệt.

Cũng với tinh thần tích cực góp phần xây dựng cơ quan, Lê Hòa kiến nghị cấp trên phát động phong trào tăng gia quanh bếp, quanh vườn. Rau quả sạch thời lương thực, thực phẩm bẩn tràn lan ai chẳng thích. Thế là khoảng cách giữa các dãy nhà làm việc chỉ rộng chừng vài mét, với lởm chởm sỏi đá được dọn sạch rồi xới tung lên để trồng rau. Trong khi Lê Hòa háo hức với rau sạch thì Võ Thạch ngãng ra, còn can gián: “Không trồng rau ở đây được đâu!”. Đội trưởng trừng mắt nhìn thuộc cấp, chặn họng bằng cái giọng rít qua kẽ răng: “Để yên cho người ta làm. Tôi cấm ông chọc gậy bánh xe!”. Võ Thạch ngước nhìn những dãy nhà cao tầng sừng sững, cãi cố: “Dứt khoát không trồng rau ở đây được!”. Không thèm nghe thuộc cấp giải thích, đội trưởng hể hả ngân nga: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Để có rau siêu sạch như quảng bá đón đầu, Lê Hòa đánh xe về các cơ sở ép dầu phụng ở quê mua bánh dầu, lại đến bệnh viện y học dân tộc chở mấy chục bao bã thuốc bắc về ủ làm phân. Nước tưới thì xả nước máy vô tư như nước sông. Lê Hòa bảo, nước phân như này thì rau chỉ có sạch nhất quả đất! Giống thì anh chọn toàn loại có nhiều dưỡng chất như cà rốt, cải bó xôi, củ cải đỏ, loại nhẵn mặt tầm thường như rau muống, mồng tơi, không thèm chơi.

Trái với kỳ vọng ngút trời của Lê Hòa, những luống rau kẹp giữa mấy dãy nhà cao tầng tong teo, còi cọc như trẻ suy dinh dưỡng độ ba. Giờ anh mới nhăn mặt, ngước nhìn những cao ốc chất ngất, che khuất cả khoảng trời. Rau nhét vào chốn thiếu ánh sáng như thế, khác nào tử tù giam trong ngục tối, không chết mòn chết héo mới lạ. Nhưng với Lê Hòa, không được rau thì được cái khác hơn cả rau. Bởi trước khi đề án rau sạch tan tành, tác giả của nó đã kịp trở thành tấm gương tiêu biểu về tăng gia tự túc toàn tổng công ty. Võ Thạch nhìn Lê Hòa, cười mỉa: “Vậy là anh thành công rồi bởi anh cần tiếng chứ đâu cần miếng”. Lê Hòa lảng đi trước ánh nhìn như muốn găm vào mình.

Đang là gương điển hình tiên tiến của đơn vị, Lê Hòa đột ngột xin nghỉ hưu trước tuổi khiến nhiều người ngơ ngác. Người ta thầm thì hỏi nhau lý do khiến kẻ đang ngời ngời đi lên bỗng dưng tụt dốc. Thắc mắc nhưng không ai dám hỏi thẳng bởi thấy anh cau có đến khó ở. Sau cùng, tin từ phòng tổ chức nhân sự rò rỉ khiến nhiều người vỡ lẽ. Theo đó, suốt mấy năm rồi, Lê Hòa cố tăng tốc, nín thở qua cầu, nhờ cả người có quyền chức “chạy tiếp sức”, với đích đến là cái ghế phó chánh văn phòng tổng công ty. Vỡ mộng, anh nản, quay về trong ấm ức, lặng lẽ trong ngôi nhà kín cổng cao tường.

Cùng về hưu, lại cùng khu phố nhưng Võ Thạch thì khác. Anh – “kẻ hay bàn lùi” như đội trưởng Lê Hòa từng nói, được bà con bầu làm tổ trưởng dân phố. Anh kiêm luôn mấy cái chức không lương như chi hội trưởng cựu chiến binh, hội phó ủng hộ bệnh nhân nhiễm “H”, tuyên truyền viên về an toàn giao thông. Vác tù và hàng tổng khác nào mua cực vào thân, đến bữa ăn giấc ngủ có khi cũng không yên. Từ hát karaoke khiến hàng xóm mất ngủ đến vợ chồng đánh nhau, rồi để chậu cảnh choán hết vỉa hè hay cống rãnh bốc mùi do hố ga bị hỏng… người ta đều réo anh. Nghe vợ khuyên nên giao bớt việc cho người khác, anh bảo: “Người trẻ thì lo làm ăn, các cụ hưu thâm niên thì đau yếu, mình hưu nhưng còn khỏe mà tránh trớ việc chung sao đành”.

Võ Thạch có dịp chuyện trò với Lê Hòa hôm đến nhà vận động đội trưởng cũ chia sẻ công việc, có thể làm chi hội trưởng chữ thập đỏ hoặc chi hội khuyến học của tổ dân phố. Việc này thì không chờ thù lao, chẳng mong phụ cấp, chỉ niềm vui đơn thuần khi được tham gia “kết nối yêu thương ” hay “vì tương lai con em chúng ta”. Đang hy vọng lời mình được cộng hưởng, Võ Thạch bỗng thất vọng khi bị từ chối thẳng: “Tôi đã nghỉ là nghỉ, không tham gia việc xã hội”. Câu trả lời chắc như sắt đá thật khó lay chuyển nhưng kẻ thuyết khách vẫn kiên trì níu kéo; chủ nhà liền cáu gắt, huỵch toẹt phũ phàng: “Tôi đã bảo không là không. Có điên mới ôm rơm rặm bụng”.

Võ Thạch bất ngờ nóng mặt, cảm thấy bị xúc phạm; lại cay đắng nhớ những câu cửa miệng “tiền phong gương mẫu” hay “mình vì mọi người” mà Lê Hòa từng cao giọng với đồng nghiệp. Anh nhìn người đối thoại, buồn rầu: “Anh cứ như phân thân, tuy một nhưng hai. Lẽ nào người ngồi đây mới là thật, còn tấm gương điển hình của cơ quan ngày nào thì ngược lại?”.

Nói rồi, Võ Thạch quay lưng với những bước chân dứt khoát.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT