Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Ngày 10/9, Diễn đàn Thương mại Séc-Việt đã diễn ra tại Trung tâm thương mại VINAMO ở thành phố Brno, thủ phủ vùng Nam Morava (Cộng hòa Séc).

Sự kiện do Bộ Tài chính Cộng hòa Séc chủ trì nhằm cung cấp những thông tin về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các tiềm năng và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực và đi vào thực hiện.

Tham dự sự kiện về phía nước chủ nhà có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, tiến sỹ Alena Schillerova, cùng các quan chức cấp cao của Bộ, đại diện lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Xuất khẩu Séc và các doanh nghiệp.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng, Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hồng Thủy và các cán bộ chức năng của Sứ quán, đại diện lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc, Hội doanh nghiệp Việt Nam, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam và các doanh nghiệp của người Việt.

Phát biểu khai mạc, tiến sỹ Schillerova cho biết đây là diễn đàn thương mại đầu tiên giữa hai nước do Bộ Tài chính Séc phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tại Séc tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Bà Schillerova cho biết đã tham dự nhiều sự kiện về quan hệ hai nước và cộng đồng người Việt tại Séc tại thủ đô Prague. Tuy nhiên, việc tổ chức diễn đàn thương mại ở thành phố Brno đã mang lại màu sắc mới khi mở rộng sự tham gia của các địa phương vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Séc-Việt.

Về quan hệ giữa hai nước, tiến sỹ Schillerova cho rằng Việt Nam là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của Cộng hòa Séc. Hai bên có nhiều tiềm năng và cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này khi hiệp định EVFTA phát huy hiệu quả.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cộng hòa Séc ở Đông Nam Á và là đối tác thứ 13 trên thế giới. Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Cộng hòa Séc các mặt hàng tiêu dùng mà còn cả các mặt hàng công nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp Séc, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị y tế, đã thành công tại Việt Nam.

Cũng theo bà Schillerova, việc hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước lên ít nhất 50%.

Quốc hội Séc cũng đã sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA). Cộng hòa Séc mong muốn sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, y tế và công nghiệp quốc phòng.

Thay mặt Chính phủ Séc, bà Schillerova cảm ơn cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã đoàn kết, chung tay hỗ trợ chính quyền các cấp và người dân Séc ứng phó với đại dịch COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu.

Theo bà, “nghĩa cử của cộng đồng người Việt tại Séc cho thấy người Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của xã hội Séc."

Bà Schillerova cũng cho biết trong tuần trước đã cùng Thủ tướng Andrej Babis và các quan chức cấp cao chính phủ thăm Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam trên toàn Cộng hòa Séc.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Đại sứ Thái Xuân Dũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính Séc chủ trì tổ chức Diễn đàn thương mại Séc-Việt trong bối cảnh hiệp định EVFTA đang được tích cực triển khai và hiệp định EVIPA đang trong tiến trình phê chuẩn.

Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp hai nước xây dựng quan hệ nhằm tăng cường hợp tác. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp những thông tin hữu ích về EVFTA, nhất là những giải pháp triển khai hiệu quả, để góp phần tăng cường hợp tác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Về quan hệ song phương, Đại sứ Thái Xuân Dũng khẳng định quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 song thương mại Việt Nam-EU nói chung, Việt Nam-Cộng hòa Séc nói riêng vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Séc đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2019. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch thương mại Viêtnam-Séc trong cùng thời kỳ đạt 936 triệu USD, tăng 28% so với nửa đầu năm 2020.

Trong thời gian tới, theo Đại sứ Thái Xuân Dũng, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Séc sẽ có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển lên tầm cao mới do hiệp định EVFTA đang được triển khai tích cực.

Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được hưởng lợi nhờ loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường. Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ quý báu của Cộng hòa Séc trong việc thúc đẩy phê chuẩn hiệp định EVFTA và việc Quốc hội Séc đã thông qua Hiệp định EVIPA ngay sau khi Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn hiệp định này.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Đại sứ chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Séc đã tặng Việt Nam 250.000 liều vaccine ngừa COVID-19 và sẵn sàng nhượng lại số lượng vaccine còn dư.

Đại sứ mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế nói chung và Cộng hòa Séc nói riêng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Hiện tại, Việt Nam cần được chuyển nhượng nhiều nhất và nhanh nhất có thể các loại vaccine, vật tư, thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19, cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vaccine từ các nước EU và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng như thuốc điều trị COVID-19.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Séc, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Jaroslav Hanak nhấn mạnh tới vai trò của liên đoàn trong việc kết nối doanh nghiệp hai nước, cũng như đánh giá cao tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.

Ông Jaroslav Hanak cho biết Liên đoàn Công nghiệp Séc đã tổ chức 11 diễn đàn doanh nghiệp nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Do Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao (trên 6%) nên luôn được Cộng hòa Séc coi là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu ở ASEAN.

Về Diễn đàn Thương mại Séc-Việt, ông Jaroslav Hanak cho rằng đây cơ hội cung cấp thông tin cho các đoàn doanh nghiệp Séc sang tìm hiểu cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước sau đại dịch.

Liên đoàn Công nghiệp Séc là tổ chức phi chính phủ (NGO), đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp Séc trong lĩnh vực công nghiệp vốn chiếm tới 30% GDP cả nước.

Liên đoàn có 11.000 thành viên là các doanh nghiệp tư nhân và 150 doanh nghiệp tập thể, trong đó có Skoda - công ty sản xuất ôtô hàng đầu của Cộng hòa Séc. Liên đoàn có chức năng cung cấp thông tin thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp Séc, cũng như tham gia xây dựng chính sách đối ngoại về kinh tế cho Chính phủ Séc.

Cũng theo ông Jaroslav Hanak, Cộng hòa Séc luôn coi Việt Nam (với hơn 96 triệu dân) và ASEAN (với 600 triệu dân) là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng.

Cùng với việc hiệp định EVFTA được đưa vào thực hiện với các thủ tục xuất nhập khẩu được đơn giản hóa, các doanh nghiệp Séc cần nhanh chóng nắm lấy lợi thế để thúc đẩy đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và coi cộng đồng người Việt tại Séc là cầu nối quan trọng để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai nước.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, ông Nguyễn Thành Long, cho rằng Diễn đàn Thương mại Séc-Việt là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc cũng như các doanh nghiệp Séc nắm bắt những thuận lợi, cơ hội kinh doanh và xúc tiến thương mại do hiệp định EVFTA mang lại.

Ông Nguyễn Thành Long cảm ơn Chính phủ Séc đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc không ngừng phát triển, cùng cộng đồng người Việt đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế-xã hội sở tại và trở thành cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Alena Schillerova Schillerova chia sẻ: “Tôi đánh giá cao sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc. Trước đây, các doanh nghiệp của người Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nay đã phát triển với quy mô lớn. Đây là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Tôi tin tưởng diễn đàn này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Séc cũng như doanh nghiệp Việt Nam về thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước do hiệp định EVFTA mang lại, qua đó đưa quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư."

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai bên đã trao đổi, thảo luận về các chủ đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cơ hội, tiềm năng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại Séc-Việt để kết nối doanh nghiệp hai nước, hiểu về đặc thù môi trường và định hướng xuất khẩu cho nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Theo TTXVN/Vietnam+