Giúp nông dân Phong Điền tiêu thụ gà thịt
Ông Trương Diên Hùng, Chủ tịch HND huyện Phong Điền cho biết, đến nay, HND huyện Phong Điền đã kết nối tìm đầu ra cho 3.200 con gà 3F Việt cho hộ ông Trần Quang ở thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân; 3.300 con gà lai đá cho hộ ông Phan Hoàng ở thôn Phước Thọ, xã Phong Mỹ và 1.000 con gà tại các trang trại của các hộ ông Trần Văn Trực ở thôn Tân lập, xã Phong Xuân, hộ ông Lê Phước Tâm ở thôn Phước Thọ, xã Phong Mỹ.
“Thông qua các mạng xã hội như Facebook và Zalo, HND huyện Phong Điền đã làm trung gian tiếp nhận thông tin của người bán và người mua, hỗ trợ lưu thông nông sản trong quá trình vận chuyển với giá bán gà còn sống 54.000đ/kg, gà làm sẵn là 80.000đ/kg, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Trương Diên Hùng cho biết.
HND huyện Phong Điền còn đang kết nối, tìm đầu ra cho khoảng 9 tấn bưởi da xanh, cam V2 của các trang trại nông sản tại địa bàn xã Phong Xuân và thị trấn Phong Điền. Đồng thời, UBND huyện đang có phương án hỗ trợ kết nối nhằm tìm thị trường tiêu thụ sản lượng lúa hữu cơ đang tồn đọng tại HTX NN An Lỗ (Phong Hiền, Phong Điền) sau khi đã thu mua của nông dân.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tuy có khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhìn chung vẫn tương đối ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa. Một vài đơn vị gia công, xay xát, sản xuất gạo, lúa giống, tinh bột sắn cung cấp cho thị trường trong nước, không có đơn vị xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài, nên về cơ bản ít chịu tác động tiêu cực, ứ đọng hàng hóa xuất khẩu do dịch COVID-19 gây ra.
Về thủy sản, trên địa bàn có Nhà máy tôm đông lạnh CP tại huyện Phong Điền có thể thu mua sản phẩm tôm chân trắng trong vùng, do vậy tình hình tiêu thụ tôm chân trắng vẫn đảm bảo. Đối với các vùng nuôi khác chủ yếu thu tỉa và tiêu thụ nội địa các loại thủy sản.
Các tàu cá vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất khai thác thác thủy sản hàng ngày tại các vùng nước nội địa. Giá cả các loại cá khai thác trên biển, đầm phá, sông hồ vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, một số loại như cá nục, cá ngừ tiêu thụ có chậm hơn và giá bán giảm từ 20-30% so với trước khi dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 4 công ty xuất khẩu thủy sản gồm Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, Công ty CP Phát triển thủy sản Huế, Công ty CP Xuất nhập khẩu Sông Hương và Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An, chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tôm, mực sushi qua các thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc, Argentina với giá trị xuất khẩu ước tính từ 55 - 60 triệu USD/năm. Hiện các đơn vị vẫn đang hoạt động, chủ yếu xử lý các đơn hàng tồn đọng.
Ông Nguyễn Phước Thọ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện một số giải pháp tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển sản suất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt. Hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản theo chuỗi thông qua hợp đồng mà DN giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và thu mua cho nông dân. Tạo liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi dựa trên sự liên kết theo chiều dọc giữa các nhóm hộ - công ty- hệ thống bán lẻ.
Toàn tỉnh có 264 cơ sở sản xuất chế biến, sơ chế nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và một số cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể chế biến các sản phẩm mắm, nem chả. Tổng sản lượng chế biến thực phẩm nông sản và thủy sản thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 3.400 tấn sản phẩm/năm.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN