Giáo viên ở A Lưới về tận nhà hướng dẫn cho học sinh

Ngồi học trực tuyến, cơn mưa lớn ập đến ảnh hưởng đến đường truyền, việc học của nhiều học sinh tại thị trấn A Lưới bị gián đoạn. Chị Lê Thị Loan, phụ huynh của hai con đang học ở các trường tại A Lưới cho biết: “Nhiều gia đình ở đây sử dụng dịch vụ internet và Mytv. Thời tiết nắng ráo thì không sao, nhưng A Lưới thường có mưa giông, sấm sét vào chiều, con em học trực tuyến bị ảnh hưởng không nhỏ”.

Câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều khó khăn khi học sinh không thể đến trường. Tại huyện A Lưới, có rất nhiều trường hợp không có đủ phương tiện để học trực tuyến, học qua truyền hình. Em H.T.T.B, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Hồng Quảng chia biết: “Gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ lại làm ăn xa ở miền Nam không thể về quê do dịch. Ở với ông bà ngoại, em không có phương tiện để học trực tuyến”.

Trường hợp như B. tại A Lưới không ít. Sau buổi dạy học trực tuyến đầu tiên, ông Đào Phúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Quảng cho biết, chỉ có khoảng 30 – 35% học sinh có điều kiện tiếp cận việc học trực tuyến. Con số này tại Trường tiểu học A Ngo kể cả học trực tuyến và qua truyền hình đều chỉ khoảng 30%. Tại Trường tiểu học Hồng Kim, ông Trịnh Văn Phú, Hiệu trưởng nhà trường thống kê: “Chỉ có 16/49 học sinh lớp 1 và 10/43 học sinh lớp 2 gia đình bắt được sóng học qua truyền hình. Con số này với học online khoảng trên 30%”.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo lãnh đạo phòng GD&ĐT, khó khăn chủ quan cũng có. Đội ngũ giáo viên vẫn còn một số trường hợp hạn chế trong kỹ năng công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến. Phía học sinh không chỉ thiếu phương tiện, máy móc và khả năng tiếp cận từ học trực tuyến của rất nhiều em bị hạn chế.

Bà Võ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Ngo trăn trở: Đa phần bố mẹ dùng điện thoại “cục gạch”, học sinh không có phương tiện học trực tuyến. Nhiều gia đình lại đông con, khó có đủ phương tiện để học. Hơn thế, là dù học theo hình thức nào, sự quan tâm của phụ huynh cũng rất cần thiết nhưng vì khó khăn, một số phụ huynh cả ngày đi rẫy, rừng không nắm bắt tình hình học của con.

Khó khăn chồng chất khiến ngành giáo dục huyện A Lưới và các trường buộc phải thay đổi phương án ngay từ sau buổi học đầu tiên. Cô giáo Lê Thị Dung, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quảng cho biết: “Ngay sau buổi học đầu tiên, theo chỉ đạo của nhà trường, tôi cùng nhiều giáo viên đã về nhà của học sinh để nắm tình hình và hướng dẫn học sinh học tập. Nhiều khó khăn phát sinh và thực chất học sinh rất cần giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn”.

Thực tế, giáo viên của rất nhiều trường ở A Lưới thừa nhận, cần phương án gỡ khó bởi khó khăn dẫn đến chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng. Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT, huyện đã chỉ đạo các trường giao nhiệm vụ cho giáo viên về nhà hướng dẫn, hỗ trợ cho từng nhóm học sinh. Sau đó khi có điều kiện học sinh trở lại trường, sẽ có phương án củng cố thêm kiến thức cho học sinh.

Do khả năng tiếp cận việc học trực tuyến của nhiều học sinh vùng cao còn hạn chế, các trường chủ động tập trung nội dung dạy – học nhiều hơn cho 2 môn tiếng Việt và toán. Sau khi nắm bắt tình hình học sinh, giáo viên phối hợp với phụ huynh ghép từng nhóm nhỏ để hướng dẫn, củng cố kiến thức sau khi học online. Với những trường hợp không thể học online, học qua truyền hình, giáo viên hướng dẫn, ra bài tập và phô tô tài liệu để học sinh tiếp cận kiến thức.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC