Dạo ấy, những nhà có máy xay xát thường tậu thêm một chiếc máy nhỏ chạy bằng điện, chẳng biết họ phục vụ xay xát loại ngũ cốc gì nhưng lúc nào chúng tôi lên nổ sâu thì y như rằng, chủ xay xát lại sử dụng chiếc máy ấy. Nguyên liệu chúng tôi mang theo được đổ ra chiếc chậu nhỏ, trộn đều. Chủ cơ sở cho thêm mỗi đứa một thìa bơ khuyến mãi, rồi cứ thế xếp hàng chờ đến phiên. Ngày trước, bọn trẻ chúng tôi phải đạp xe gần bốn cây số mới đến được điểm xay xát gần chợ Thông. Lúc ấy, cầu chợ Thông còn là chiếc cầu ghép bằng ván, khu vực này thường xuyên bị lũ lụt nên mố cầu sồi sụt, gặp trời mưa dắt xe lên xuống rất nguy hiểm. Người lớn đi đã khó, trẻ con chúng tôi lại càng khó hơn, phải chia người đứng trên kéo bánh trước, một đứa khác đẩy bánh sau. Lần nào đi nổ sâu cũng có đứa “chụp ếch”, áo quần đầy bùn, nhưng nghĩ tới những “con sâu” gạo giòn tan, ngọt lừ, đứa nào cũng muốn tới tận nơi.


 
 
Khác với bánh ống, ngũ cốc đổ vào máy xay nhuyễn qua nhiệt cao cho ra những dây bột dài ngoằn nghèo như những con sâu róm nên chúng tôi gọi chúng là “sâu gạo”. “Sâu” mới ra lò nóng giòn, thơm mùi bơ, đậu. Bỏ càng nhiều đường, sâu càng cứng, càng ngọt. Buổi tối mùa đông đắp chăn, ôm thùng kẹo sâu đọc truyện trinh thám của Connan Doyle có lẽ là những kỷ niệm khó quên một thời tuổi thơ tôi. Trong trận lụt lịch sử năm 1999, củi than trôi hết, mẹ con tôi ngồi trên hai chiếc bàn kê cao cùng với thùng kẹo sâu sống qua một ngày đêm mà không có hạt gạo mô vô bụng.
 
Một thời đi dạy thêm, mấy đứa học trò nhỏ của tôi cũng có sở thích ăn kẹo sâu. Cứ cuối tháng nộp tiền học phí, tôi trích ra một ít rồi mấy chị em đạp xe về làng Dương Xuân hạ đi nổ sâu. Bõ công chờ đợi xếp hàng, cuối cùng cả nhóm cũng có một bữa đại tiệc bằng kẹo sâu...
 
Năm tôi vào đại học, đi học quân sự xa nhà, đứa em trai tôi bắt xe đò về thăm. Quà nó mang theo là một bì kẹo sâu to tướng. Cả nhóm tôi mừng rơn, đem giấu bì kẹo trên trần nhà vì sợ thầy giáo la. Những khi trong phòng có sinh nhật, lễ, tiệc, kẹo sâu mới được mang ra phục vụ liên hoan. Buổi tối, tôi đem theo một nắm kẹo sâu cùng bạn ra dãy sau thắp nến học bài. Những nắm kẹo sâu lúc ấy có giá trị vô cùng.
 
Bây giờ, những lò nổ sâu thưa vắng dần. Con nít thời nay ăn kẹo sô-cô-la, kẹo ngoại thay thế những món ăn đơn giản như kẹo sâu ngày ấy. Thi thoảng, về những vùng quê nghèo, tôi vẫn thấy người ta nổ sâu bằng bột bắp nhưng chúng to phồng và đầy vị ngọt của đường hóa học chứ không giòn tan như kẹo sâu mà chúng tôi hay đi nổ. Phải chăng món ăn đã đi vào dĩ vãng theo thời gian.
 
T.Linh