Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Israel được tổ chức ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN

Động thái này là một phần trong các nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Seoul vào những nền kinh tế lớn.

Cụ thể, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho hay, quốc gia này có kế hoạch chính thức ký kết hiệp định FTA với Campuchia vào tháng 10, 7 tháng sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán liên quan. Hiệp định thương mại này sẽ giúp các công ty Hàn Quốc đa dạng hóa dây chuyền lắp ráp của họ ở khu vực Đông Nam Á.

Được biết, Campuchia là điểm đến xuất khẩu lớn thứ 60 của Hàn Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm đồ uống, hàng dệt may và xe tải chở hàng. Trong khi đó, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu quần áo và giày dép từ quốc gia Đông Nam Á này.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang chờ đợi việc triển khai một hiệp định thương mại tự do với Indonesia, hiệp định đang chờ được Quốc hội Indonesia thông qua. Phía Hàn Quốc đã hoàn thành các thủ tục hồi tháng 6. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nói thêm, họ cũng mong muốn tạo ra những kết quả đáng kể từ các cuộc đàm phán đang diễn ra với Philippines.

Các hiệp định thương mại lớn khác đang chờ được phê chuẩn với các đối tác châu Á bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến ​​sẽ được phê chuẩn vào tháng 10, trước khi được thực hiện đầy đủ vào tháng 1/2022.

Hiệp ước thương mại khổng lồ này chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, đã được ký kết hồi tháng 11 năm ngoái, với các bên tham gia bao gồm các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán riêng đang được tiến hành với Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur), bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Khối này chiếm khoảng 70% dân số ở Nam Mỹ, và 68% nền kinh tế của khu vực này. Hàn Quốc và Mercosur đã khởi động những cuộc đàm phán đầu tiên vào năm 2018.

Hàn Quốc đã và đang nỗ lực để đa dạng hóa danh mục đối tác thương mại của mình, bằng cách hợp tác với những quốc gia mới nổi; trong bối cảnh, 40% xuất khẩu của quốc gia này hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ.

Lê Thảo (Lược dịch từ Yonhap)