Về tác hại của chủ nghĩa thực dụng, Hội nghị Trung ương 5 khóa 8 (năm 1996) đã nêu ra nhận định: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền mà chà đạp đến tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp”.

Trong giai đoạn gần đây, những biểu hiện của lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng tăng lên với nhiều biểu hiện, hình thức khác nhau.

Những hiện tượng về lối sống ích kỷ, làm giàu bất chính, không quan tâm đến xung quanh, tiêu xài vương giả nhưng lại quên lòng từ thiện với người nghèo, yếu thế... không còn hiếm gặp.

Nguy hiểm hơn, khi chủ nghĩa thực dụng tiêm nhiễm sâu vào bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, người giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp; trong đó, có những cơ quan đòi hỏi trong sạch như cơ quan Đảng, quản lý nhà nước, cơ quan chuyên chính, lực lượng vũ trang... bị “bủa vây” bởi vòng xoáy thực dụng.

Thực tế đã có những cán bộ được đề bạt chức vụ cao hơn nhưng không muốn nhận chỉ vì ở đó “có tiếng mà không có miếng”, không thỏa mãn được lợi ích cá nhân. Thực dụng không chỉ thu vén vật chất mà cả tìm mọi cách mua chuộc, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, khen thưởng và các lợi ích khác. Miễn có lợi cho cá nhân là mục tiêu cao nhất.

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa 12), Đảng ta đã nhận định: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Đây là đánh giá chung nhất về hệ quả tiêu cực của chủ nghĩa thực dụng, đi ngược lại bản chất tốt đẹp của người Việt Nam: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nguyên nhân chính của nó là tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, lối sống thực dụng. Nhưng xét cho cùng thì nguyên nhân cơ bản là tư tưởng, lập trường chính trị thiếu vững vàng, chạy theo lối sống ích kỷ, thiếu liêm sỉ, cục bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đáng tiếc là nhiều người từng có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhưng đã bị lôi cuốn vào lối sống thực dụng dẫn đến sa ngã, biến chất. Bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, thói hư tật xấu ảnh hưởng đến đạo đức công vụ thì thực dụng là một căn bệnh cần phải được điều trị, từng bước xóa bỏ trong tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ lâu dài là tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh mọi mặt, trong đó nâng cao đạo đức cách mạng là then chốt, có tính quyết định. Một trong những công tác xây dựng Đảng là công tác cán bộ và quản lý cán bộ, chống ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa thực dụng đang từng ngày tác động vào đội ngũ này. Muốn vậy, cần xóa bỏ ảnh hưởng chủ nghĩa thực dụng được cho là một trong những nguyên nhân làm suy thoái cán bộ, đảng viên, lãnh đạo.

Xây dựng lối sống trong sạch, xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân tuy không phải là giải pháp mới nhưng phải được thể chế hóa bằng quy định từ trong Đảng đến từng cơ quan, công sở.

Trong giai đoạn hiện nay, chống chủ nghĩa thực dụng chính là chống tham nhũng, tiêu cực đang từng ngày tác động đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần gắn trách nhiệm nêu gương với kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng, ủng hộ chủ trương chống tham nhũng quyết liệt của Đảng ta. Hình thành ý thức tự chủ, tự trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa, chấp hành nghiêm túc pháp luật trong mọi hoạt động. Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, xây dụng lối sống “mỗi người vì mọi người”, vì tiến bộ và công bằng xã hội. Không có gì tốt hơn khi mỗi cán bộ, đảng viên xác định trách nhiệm, hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự nghiệp chung.

NGUYỄN AN HÒA