Công trình cầu Lòn đường sắt Bắc Nam được thông xe
Giải ngân 39,3% kế hoạch
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2021 của Thừa Thiên Huế được Thủ tướng giao cuối năm 2020 là 3.613 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ yếu tập trung vào các DA chuyển tiếp đầu tư vào những DA trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm Phục hồi chức năng Đoàn 41 Huế… Các DA trọng điểm quốc gia BT và BOT cũng sớm hoàn thành đi vào hoạt động.
Theo thống kê, trên địa bàn thực hiện 162/182 DA chuyển tiếp và dự kiến sẽ hoàn thành năm 2021. Trong những tháng đầu năm, tình hình thời tiết thuận lợi, việc giao vốn từ cuối năm 2020 cùng chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền nên nhiều công trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Một số công trình chuyển tiếp đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả với tổng nguồn vốn giải ngân các DA chuyển tiếp, hoàn thành đến nay hơn 64%.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC. Đồng thời, thành lập tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn ĐTC. Tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế tại các DA, nhất là các DA động lực, trọng điểm của tỉnh để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn trên tinh thần khẩn trương và quyết liệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các DA.
Tuy nhiên, tổng vốn ĐTC được giải ngân đến 20/8 chỉ khoảng 39,3% kế hoạch. Con số này vẫn khá khiêm tốn so với mục tiêu hoàn thành giải ngân 50% vốn ĐTC trong 6 tháng đầu năm mà tỉnh, Sở KH&ĐT đề ra.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT lý giải, vốn giải ngân thấp tập trung vào các dự án ODA làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Hiện một số tiểu DA thuộc DA do các bộ chủ quản lập kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2020 chậm, phải chờ bộ chủ quản hướng dẫn các định mức và rà soát DA tổng. Quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi DA sẽ phải theo một quy định riêng.
Việc phê chuẩn hiệp định vay chậm nên một số DA chưa có cơ sở triển khai hoạt động. Một số DA khi điều chỉnh thiết kế và các hạng mục DA thường mất nhiều thời gian do cần lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương. Các DA sử dụng vốn nước ngoài có nhiều ràng buộc về các chỉ tiêu như chất lượng môi trường, xã hội... cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai DA.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc huy động nhân công gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công một số công trình, DA. Việc mời họp xử lý các nhà thầu vi phạm (đa số là các doanh nghiệp ngoài tỉnh) cũng gặp rất nhiều khó khăn, do thành phần tham dự không đủ thẩm quyền quyết định, mất nhiều thời gian xử lý. Cộng thêm năng lực tài chính của một số đơn vị thi công thời gian gần đây không đảm bảo, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh…
Việc tăng giá vật tư, vật liệu như: thép, cát, đá, xi-măng… cũng làm cho nhiều DA bị chậm tiến độ. Đó là lý do khiến nhiều nhà thầu không triển khai thi công, hoặc thi công cầm chừng, nhằm trông chờ giá cả thị trường hạ xuống hay đợi chính sách mới. Các gói thầu chuẩn bị tổ chức đấu thầu phải dừng lại chờ điều chỉnh giá cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giải ngân.
Giao ban về giải ngân vốn 10 ngày 1 lần
Theo mục tiêu phấn đấu đến cuối năm, tỉnh sẽ giải ngân 97% kế hoạch vốn, tuy nhiên trong những tháng tới tình hình dịch bệnh, thiên tai sẽ khó lường ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch giải ngân; nhất là các DA ODA hiện vẫn đang có tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC, UBND tỉnh đang tập trung theo dõi kế hoạch giải ngân vốn ĐTC của các chủ đầu tư theo quy định của Nhà nước. UBND tỉnh tổ chức giao ban về giải ngân ĐTC 10 ngày 1 lần. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các DA chậm tiến độ, đặc biệt là các DA trọng điểm. Yêu cầu các chủ đầu tư phải có kế hoạch sử dụng vốn và giải ngân, cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công cụ thể từng DA, đăng ký với UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, DA trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, DA khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thực hiện điều chuyển vốn các DA có tình hình thực hiện và giải ngân không đạt yêu cầu, điều chuyển cho các DA cấp bách cần vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khả năng giải ngân nhanh và thanh toán khối lượng nợ xây dựng cơ bản. Thường xuyên thực hiện việc điều chỉnh, điều hòa vốn đầu tư để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao.
Riêng các dự án ODA, tỉnh đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát các thủ tục liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn này, vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt là các quy định về giải ngân nguồn vốn trên tinh thần chặt chẽ, cắt giảm thời gian các thủ tục không cần thiết.
Bài, ảnh: Hoàng Anh